Pages

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Những cái tên bình dị về Núi & Đèo (1)

Đi từ đồng bằng lên cao nguyên bằng đường bộ chúng ta sẽ phải qua những đoạn đường đèo xuyên các rặng núi. Việt Nam có khoảng hơn 30 đường đèo lớn nhỏ cũng như dài ngắn. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến những cái tên bình dị nhưng cũng kỳ lạ của núi và đèo mà tôi đã từng nghe đến hoặc có dịp đi qua trong những chuyến cross-country xuyên Việt vào cuối thập niên 90.

Đối với tôi, có được những chuyến đi xuyên Việt cũng là một duyên may. Chuyện rất dài dòng nhưng kể vắn tắt lại là khi còn học trên Ban Mê Thuột tôi có một người thầy dậy Anh văn, giáo sư Bùi Dương Chi, con của nhà văn Thụy An mà tôi vẫn thường nói đến trong Hồi ức một đời người [1]. Thầy Chi đi du học Hoa Kỳ từ năm 1974, kịp đến biến cố 1975, thầy ở lại luôn trên đất Mỹ.

Tình thầy trò vẫn được duy trì trong những năm sau đó khi ông dẫn các đoàn sinh viên Mỹ đến Việt Nam theo chương trình IST (International Studies Program) tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Sài Gòn. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng và cuối khóa sinh viên có 15 ngày đi từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng đường bộ. Trong cả 2 học kỳ liên tục, tôi theo chân đoàn đi khắp các vùng đất nước [2].

Khởi đầu chuyến cross-country nào cũng bắt đầu từ Sài Gòn lên Đà Lạt, từ quốc lộ 1 rẽ trái vào quốc lộ 20 tại ngã ba Dầu Dây. Quốc lộ 20 là trục đường bộ duy nhất từ Sài Gòn lên Đà Lạt, dài 233 km, nối tỉnh Đồng Nai với Lâm Đồng và chính thức được xây dựng vào năm 1973. Quốc lộ 20 đi qua nhiều rừng cao su, rừng nhiệt đới, những vườn cây công nghiệp, những đồi trà, cà phê bạt ngàn và kết thúc với rừng thông.

Sau khi vượt sông La Ngà, nơi có thủy điện Trị An và những căn nhà nổi trên sông, chúng tôi tiến vào địa phận Madagui, một cái tên rất đặc biệt của người Mạ, tại đây còn có con sông nhỏ tên Gui. Từ ngã ba Madagui nếu rẽ trái sẽ đến Ban Mê Thuột, còn rẽ phải lên cao nguyên Lâm Viên, tên xưa gọi là Langbiang.

Miền đồng bằng Madagui được xem như cánh cửa đi vào cao nguyên nên phải vượt đèo đầu tiên mang tên Đèo Chuối, một cái tên nghe rất bình dân. Đường đèo rộng rãi nên ngồi trên xe hoàn toàn không có cảm giác vượt đèo. Tôi còn nhớ ngày xưa còn bé mỗi lần về Sài Gòn bằng xe đò nhỏ Peugoet mang nhãn hiệu Minh Trung mỗi khi qua đây nhìn chỗ nào cũng thấy chuối. Ngày nay chuối đã được thay thế bằng những căn nhà gỗ của những người tứ xứ nhưng cái tên dân giã Đèo Chuối đã đi vào lịch sử những địa danh kỳ lạ của Việt Nam.

Đèo Chuối

Qua Đèo Chuối, chúng tôi bắt đầu tiến vào địa phận của ngọn đèo dài khoảng 10 km, nổi tiếng hiểm trở và quanh co trên đường lên Đà Lạt. Đó là Đèo Bảo Lộc, xưa gọi là đèo Blao. Khoảng giữa đèo có chỗ cho xe cộ tạm dừng trên một bãi đất trống khá rộng. Tại đây, người ta dựng tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Đức Mẹ Maria và Miếu Ba Cô để tưởng nhớ những nạn nhân đã bỏ mình khi vượt đèo.

Trạm nghỉ chân giữa Đèo Bảo Lộc

Đèo Blao là một con đường hẹp, ngoằn ngoèo, nhiều khúc cua gắt nên thường xảy ra tai nạn. Cánh lái xe đò thường xuyên đi trên đèo có nhiều giai thoại về Miếu Ba Cô. Họ kể, trong những chuyến xe đêm thường thấy có ánh đèn từ ngôi miếu hoang. Thỉnh thoảng còn có tiếng khóc trên đó vọng xuống.

Có người còn quả quyết rằng chính họ đã từng nhìn thấy ở đoạn đèo gần ngôi miếu thỉnh thoảng xuất hiện ba bóng con gái mặc toàn đồ trắng. Họ đứng ủ rũ bên đường gần bờ vực. Có khi lại thấy họ đứng giữa đường như chờ đón xe lên xuống. Nhiều tài xế nói rằng nếu lái xe qua đó mà không thành tâm khấn vái thì rất dễ hoa mắt, xe có thể rơi xuống vực.

Miếu Ba Cô là một câu chuyện tình dang dở, ngang trái của 3 cô gái được các nhà văn thêu dệt rất lâm ly, bi đát. Người thứ nhất là cô Thiên Hương, được gia đình tại Sài Gòn gửi lên Đà Lạt học nội trú trong một trường dòng; cô thứ hai, Vân Hạnh, con một chủ đồn điền trên Đà Lạt, và cô thứ ba, Thu Hà, xuất thân từ một gia đình nghèo khó.

Định mệnh đã đưa đẩy 3 người con gái thất tình gặp nhau và quyết định trốn khỏi Đà Lạt nhưng một tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên Đèo Blao. Người ta dựng Miếu Ba Cô từ đó để thành tâm tưởng niệm ba cô gái chết trẻ và cũng để cầu xin một cuộc hành trình an toàn trên Đèo Blao.

Đường trên Đèo Blao, một bên là vách đá, một bên là vực sâu

Trước khi vào Đà Lạt phải qua một đoạn đường chừng hơn 10 km đường dốc quanh co nhưng tương đối dễ đi hơn đèo Blao. Đó là Đèo Prenn 1, nơi có thác Prenn, một thắng cảnh của Đà Lạt với những cánh rừng thông đặc trưng của thành phố sương mù.

Đèo Prenn 2, hay Đèo Mimosa, là đoạn đường đèo cũ có nhiều điểm dừng chân để ngoạn cảnh. Đèo Mimosa ít có những đoạn cua hẹp và khúc khuỷu, đặc biệt, với thiết kế vòng ôm, lượn lờ băng qua những triền đồi, du khách có thể phóng tầm mắt xuống từng lòng thung bao la lác đác những mái nhà ẩn hiện trong sương mù hay mờ khói lam chiều.

Đèo Prenn 1 là ranh giới của Thành phố Đà Lạt

Đèo Prenn 2 hay còn gọi là Đèo Mimosa

Trong khi Tây Ninh có núi Bà Đen (còn được gọi là Núi Một), Bình Phước có núi Bà Rá thì Đà Lạt có Núi Bà và Núi Ông họp thành đỉnh Langbiang, cách thành phố khoảng 12 km. Theo truyền thuyết của người K’ Ho (Kô Hô), Langbiang là tên ghép của chàng K’lang và nàng H’biang.

Huyền thoại chàng K’lang và nàng H'biang

Núi Ông và Núi Bà thường xuất hiện trên đường chân trời Đà Lạt vào những ngày trời trong, không sương mù, trông tựa như bộ ngực của người phụ nữ. Có điều bộ ngực đó không đều đặn, bên cao, bên thấp. Tôi đã leo đỉnh Langbiang phía ngọn núi thấp, có cao độ 1.950 m. Tại đây có đường dẫn lên tới đỉnh, hợp với sức người đã lớn tuổi.

Leo đỉnh Langbiang (1999 – sau lưng là đỉnh 2.167m)

Muốn sang ngọn núi cao hơn (2.169 m) phải mất khoảng 2 giờ băng rừng già nguyên sinh với rất nhiều dốc cao dựng đứng và những gốc cây cổ thụ nằm vắt ngang đường. Còn phải mất thêm khoảng 2 giờ nữa để leo những vách đá cheo leo nới lên đến đỉnh.

Đám sinh viên Mỹ cứ đi băng băng trên con đường dốc dẫn lên đỉnh nhờ sức trẻ, còn thầy Chi và tôi vừa đi vừa thở, được cái khí hậu Đà Lạt mát dịu khi càng lên cao nên bớt đi phần nào mệt nhọc. Lên đến đỉnh là giây phút thần tiên của người đã chinh phục độ cao. Dưới chân xuất hiện buôn làng của người Thượng nằm nhỏ bé, bất động như trong một bức tranh.

Ngày xưa, khóa sinh trường Võ Bị Quốc gia VNCH phải chinh phục đỉnh Langbiang mới được gắn Alpha để chính thức trở thành sinh viên sĩ quan hiện dịch. Buổi lễ gắn Alpha được thực hiện dưới ánh đuốc vào ban đêm nên là một kỷ niệm khó quên trong đời những chàng trai lựa chọn binh nghiệp như một hướng đi “Đa năng, Đa hiệu” cho cuộc đời mình.

Núi Bà & Núi Ông

Đà Lạt còn có Núi Voi, cách thành phố chừng 15 km về hướng nam. Rặng núi mang hình dáng của hai chú voi khổng lồ nằm ngay cửa ngõ phía nam thành phố. Huyền thoại kể rằng, rặng núi Rowas nay gọi là Núi Voi, vốn là hiện thân của hai con voi ở vùng La Ngư Thượng đi dự lễ cưới của chàng K’lang và nàng H’biang. Khi đến đồi Cà Đắng, nay gọi là đèo Prenn, thì nghe tin chàng Lang và nàng Biang qua đời.

Quá đau buồn nên cả hai không còn đủ sức để vượt qua dốc Cà Đắng, ngã quỵ giữa đường mà chết. Xác voi biến thành hai ngọn núi mà ngày nay, từ quốc lộ 20 qua địa phận Định An (Đức Trọng), du khách có thể nhìn thấy được nguyên hình dáng của hai con voi với đôi chân trước phủ phục hướng về phía Prenn.

Núi Voi

Ngày xưa, người ta dùng tên Dran, còn gọi là Cầu Đất, là thị trấn huyện lỵ Đơn Dương của Đà Lạt. Từ Đơn Dưong có hai hướng lên thành phố Đà Lạt: hướng đi qua ngã ba Phi Nôm, qua đèo Prenn và hướng qua đèo Dran, qua Cầu Đất. Đây là nơi nhà thám hiểm, Bác sĩ A. Yersin, người khám phá ra Đà Lạt đã từng trồng thử nghiệm cây canh-ky-na để chế biến thuốc trị bệnh sốt rét. 

Vượt qua đèo Dran là con đường chính để đến Đà Lạt từ hướng Ninh Thuận, sau này người ta khai thông con đường qua Thạnh Mỹ - ngã ba Phi Nôm lên đèo Prenn đến Đà Lạt, làm cho con đường đèo Dran trở nên hoang phế. Nhưng chính sự hoang phế này tạo nên một sức hút khác, sức hút của sự hoang sơ của núi đồi Langbian. Bên cạnh đó là một con đường sắt răng cưa được xây dựng năm 1917 nhưng sau năm 1975 tuyến đường sắt này đã bị gỡ như sắt vụn khi đường xe lửa Đà Lạt – Tháp Chàm ngưng hoạt động.

Đường sắt và đường bộ trên đèo Dran ngày xưa

Đèo Dran dài khoảng 10 km, cực kỳ hiểm trở với những khúc cua bất thường trên triền dốc đứng. Du khách có thể “sờ” được mây, “cảm” được sương mù, bởi mây và sương luôn bất chợt hiện ra lúc ở giữa lưng chừng đèo, lúc trên đỉnh đèo. Từ vùng biển lên cao nguyên du khách đang tiến dần vào xứ sở ôn đới, nhiệt độ thay đổi rất nhanh chóng, chẳng bao lâu có cảm giác chìm trong khí hậu lạnh mát phảng phất mùi rừng thông Đà Lạt.

Đèo Dran

Trên đường từ Đà Lạt xuống Phan Rang, chúng tôi dừng lại trên đèo Sông Pha (Kronfa). Nhiều người lầm tưởng đèo Sông Pha cũng chính là đèo Ngoạn Mục. Thực ra thì từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng sẽ qua đèo Sông Pha, đến ngã ba Đơn Dương, nếu rẽ phải mới đi qua đèo Ngoạn Mục, người Pháp gọi là Belle Vue. Ở ngã ba Đơn Dương, trước năm 1975 có cắm bảng chỉ đường, hướng đi tới đèo Ngoạn Mục.

Sau khi Yersin khám phá Đà Lạt năm 1893, năm 1897 trong kế hoạch xây dựng thành phố này viên toàn quyền Doumer đã phái một nhóm nghiên cứu thực địa nhằm lập bản đồ mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt. Dưới sự chỉ huy của đại uý Thouars, nhóm người này đã vẽ được lộ trình dài 122 km từ Phan Rang băng qua Xóm Gòn (tên gọi của thung lũng Ninh Sơn lúc bấy giờ) để lên Dran (Đơn Dương), thung lũng Đa Nhim, Klong, Prenn rồi đến Đà Lạt.

Gần một thế kỷ trôi qua, con đường đèo được mở rộng hơn qua 2 lần sửa chữa lớn của Pháp – Nhật, cái tên Ngoạn Mục được coi như đồng nghĩa với Sông Pha. Ngày nay có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đèo Ngoạn Mục được thành lập vào năm 1986. Trong số các đèo tại Việt Nam, Ngoạn Mục là một trong những con đường đèo có tên thi vị nhất.

Đèo Ngoạn Mục dài 18,5 km, có độ dốc trung bình trên 9 độ, độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Nằm trên quốc lộ từ thị xã Phan Rang đi Đà Lạt, đèo có độ cao trong khoảng 200 m ở điểm thấp nhất và lên tới 980 m ở đỉnh đèo. Trên đèo Ngoạn Mục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng. Nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó.

Khúc cua gắt trên Đèo Ngoạn Mục

Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những chiếc xe trông tựa như món đồ chơi chậm chạp đang bò lên hay xuôi xuống. Xa hơn là đồng bằng Phan Rang với dòng sông Cái uốn lượn. Hai dãy núi cao ôm bọc lấy thung lũng Phan Rang chạy ra tận biển. Phan Rang là thị trấn nổi tiếng về nóng và nắng nên người ta thường nói “nóng như phang, nắng như rang”!

Bên đèo Ngoạn Mục là những suối thác cắt ngang vách núi, những dãy núi đồi với hệ thực vật khá phong phú, vừa đa dạng, vừa đặc trưng. Dưới chân đèo là hai ống thủy áp bằng hợp kim vắt ngang đường của thủy điện Đa Nhim, một công trình của viện trợ của người Nhật cho chính phủ VNCH, được xây dựng từ tháng 4/1961 và hoàn tất vào tháng 1/1964.

Hai ống thủy áp của thủy điện Đa Nhim nằm vắt ngang chân đèo Ngoạn Mục

Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển nam Trung Bộ và cao nguyên Đà Lạt, Đèo Ngoạn Mục mang trong mình nhiều cảnh quan và khí hậu khác nhau. Nếu đi từ dưới lên, sẽ dễ dàng nhận ra sự giảm dần nhiệt độ qua những thay đổi về hệ sinh thái. Sự xuất hiện dần của thông xanh, hoa dã quỳ vàng rực hai bên đường tạo nên một ấn tượng về một tiểu vùng khí hậu lạnh hơn và một vùng phong thổ khác. Phân định tại Eo Gió với một khúc cua ngoặt khuỷu tay, khí hậu đột ngột thay đổi từ cái nắng gay gắt của Ninh Sơn chuyển sang những đợt gió cao nguyên lạnh buốt.

Đường đèo Ngoạn Mục

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

[1] Đọc thêm về nhà văn Thụy An:

  • Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An

[2] Đọc thêm về chương trình IST (International Studies Program):

  • Chuyện một người Mỹ thích mắm tôm

*** 

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8: Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!    

4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Em đã đem về hết 5 phần gom lại thành 1 và tạo ra được PDF file rồi ,anh có thể file này về .
    http://nam64.multiply.com/journal/item/5482/5482
    http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=8059395679302850352#allposts

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanks Nam Ròm. Anh đã xem trên Multiply còn trên blogger.com không vào được vì phải đổi tài khoản. Một lần nữa xin cảm ơn em về PDF file, tổng hợp 5 bài về Núi & Đèo tại VN.

      Xóa
  3. Chào anh Chính, xin phép anh cho tôi đăng lại loạt bài "Núi&Đèo ở trang nhà: https://nuocnha.blogspot.com
    Cảm ơn anh trước.

    Trả lờiXóa