Tôi đoán Sài Gòn lúc đó dùng IBM System/360, thế hệ máy tính
trung tâm quy mô lớn được IBM công bố vào khoảng những năm đầu thập niên 60.
Với IBM System/360, lần đầu tiên một hệ thống máy tính được thiết kế để phục vụ
cho các mục đích đa dạng như thương mại, khoa học và quân sự. IBM System/360
được xem như một trong những chiếc máy tính thành công nhất trong lịch sử. Nó
có tầm ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng phát triển của ngành công nghiệp máy tính
trong những năm sau này.
Cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, toàn bộ hệ thống máy tính IBM
trong Tổng tham mưu vẫn còn nguyên vẹn. Cũng vì thế những người “ngây thơ” như
tôi đều nghĩ rằng lý lịch của mình vẫn còn nằm trong IBM nên “thật thà khai
báo” gần như không dấu diếm điều gì. Điều khôi hài là chính quyền mới hoàn toàn
mù tịt về máy tính nên dù có khai thật hay khai giả cũng đều phải đi học tập
cải tạo lâu dài…
Máy tính IBM System/360
Bẵng đi hàng chục năm phải lăn
lộn với cuộc “đổi đời” trong Thời điêu linh, “máy tính” tạm biến mất trong ngôn
ngữ hàng ngày của người Sài Gòn. Phải đợi đến thời kỳ “đổi mới” người ta mới
bắt đầu làm quen với thật ngữ “máy vi tính” nhưng đó là hình ảnh quá xa vời đối
với những “phó thường dân” như tôi. Hồi đó, muốn học một khóa vi tính phải tốn
đến cả chỉ vàng thì tiền đâu để được đụng vào bàn phím!
Lần đầu tiên tôi được rờ vào máy
tính là lúc làm việc cho Vietnam
Investment Review (VIR), tờ báo của Úc liên doanh với Việt Nam chuyên về
kinh tế, thương mại và đầu tư được thành lập ngay những ngày đầu “mở cửa”. Buổi
đầu thành lập, tòa soạn của VIR ở Sài Gòn chỉ có duy nhất một máy vi tính, màn
hình đen trắng, hiệu Acer. Máy tính hồi đó được chia thành các loại mã số từ 386,
486, 586 và cao nhất là 686. Máy của VIR thuộc thế hệ 386, tôi không nhớ rõ,
nhưng hình như người Úc mua từ Hồng Kông đem vào Việt Nam .
Phóng viên người Việt làm cho VIR
tại Sài Gòn chỉ có 3 người, tất cả đều thuộc loại “i tờ” về IT (information
technology) nhưng được cái đã quen dùng máy đánh chữ nên cũng có phần dễ dàng
hơn trong việc tìm hiểu về máy tính qua sự hướng dẫn của các phóng viên người
Úc. Thế là chúng tôi làm quen với phần mền WordPerfect, biết thế nào là CPU,
monitor, keyborad rồi chẳng mấy chốc cũng enter, delete, copy, paste và save như
ai!
Chỉ hơn tháng sau đã có thể ngồi viết bài bằng tiếng Anh
trên máy vi tính, lúc đó chưa có VNI bằng tiếng Việt. Người ta nói thực hành là
cách học hay nhất và khi nào máy có bị “treo” thì chỉ việc tắt nguồn điện để…
khởi động lại. Cả đời tôi chưa từng theo học một khóa vi tính nào, chỉ toàn mày
mò, bí quá thì hỏi, nếu không được thì tắt máy, restart!
Máy tính màn hình đen trắng
Nhớ lại ngày nào khi chưa có máy tính mà thấy… thương người
viết. Bản thảo bao giờ cũng đầy những chỗ sửa bằng bút nguyên tử, xanh xanh đỏ
đỏ, nhìn vào như một bức tranh nham nhở. Đến khi có máy tính mới thấy công nghệ
thông tin góp phần giúp người soạn thảo văn bản đạt đến một trình độ “văn minh”
tuyệt vời. Dù có sửa bao nhiêu đi nữa văn bản vẫn sạch sẽ, lại còn có cả bảng,
biểu đi kèm khiến bài viết thêm sống động.
Như đã nói, tôi chỉ là người sử dụng máy tính theo kiểu tự
học, tự khám phá nên cho đến giờ vẫn tự hỏi không hiểu tại sao con người lại có
thể chế ra một cái máy tuyệt diệu đến như vậy. Từ giàn máy đầu tiên ENIAC nặng
đến 30 tấn của Đại học Pensylvania, IBM trình làng chiếc máy tính cá nhân
(personal computer) năm 1981 chỉ nặng vài ký!
Tôi hoàn toàn mù tịt về những thuật ngữ công nghệ thông tin
như bit (binary digit) chứ chưa nói gì đến byte, kilobyte (KB), gigabyte (GB),
tetrabyte (TB)… Rồi lại những từ ngữ rắc rối như “hệ điều hành Micrsoft – DOS”,
phần cứng, phần mềm, bộ nhớ trong (RAM – Random access memory), ổ đĩa cứng (HDD
– Hard disk driver), ổ đĩa mềm (FDD – Floppy disk driver)…
Tôi chỉ biết cứ bật máy vi tính lên là có thể soạn thảo văn
bản, tra cứu Web, xem báo điện tử, kết nối Internet, viết và nhận e-mail, chat
với bạn bè và có những lúc tự mình giải trí như nghe nhạc, xem phim, chơi games…
Như vậy là quá nhiều đối với một người bình thường ngồi trước một cái máy vô
tri, vô giác.
Đôi lúc tò mò tôi tìm đọc những cuốn sách có liên quan đến công nghệ thông tin nhưng, nói thật tình, chỉ hiểu được lõm bõm những gì tác
giả muốn nói. Âu cũng là điều bình thường vì một người như tôi làm sao có sự
cảm nhận của một chuyên viên trong ngành.
Đọc Business @ the
Speed of Thought (Kinh doanh theo tốc độ của tư duy) của ông trùm
Microsoft, Bill Gates, chỉ là lướt qua xem tác giả muốn nói gì. Bill Gates đề
cập đến 12 quy luật cho sự thành công trong thời đại kỹ thuật số. Theo cách
nhìn của Gates, nếu xu hướng kinh doanh trong thập niên 80 là chú trọng đến
chất lượng, thập niên 90 dành cho việc tái cơ cấu (re-engineering,
re-structuring) thì kinh doanh trong thiên niên kỷ 2000 sẽ phải dựa vào tốc độ
trong một bối cảnh được Gates gọi là “vũ trụ kỹ thuật số” (digital universe).
Gates cho rằng thư điện tử là yếu tố quan trọng của “hệ thần
kinh kỹ thuật số” (the digital nervous system) nhằm đơn giản hóa cơ cấu hệ
thống của một tổ chức. Từ đó dẫn đến hiệu quả tích cực trong hoạt động kinh
doanh theo quy luật “Going digital
changes your business”.
Theo Gates, thời đại mà chúng ta sống đang đi dần đến “lối
sống trên trang Web” (Web life-style) cho nên muốn thành công cần phải có đổi
mới “tư duy” và ông kết luận “It’s
business at the speed of thought”. Nhìn
chung, 12 quy luật của Bill Gates chỉ áp dụng trong hoạt động kinh doanh chứ
không có gì liên quan đến những người sử dụng máy tính cho mục đích cá nhân như
tôi và rất nhiều người khác.
Tôi lại tìm đọc The
World Is Flat – A Brief History of the 21st Century [*] của Thomas L.
Friedman, một ký giả nổi tiếng của tờ New York Times và cũng là người đoạt giải
Pulitzer về báo chí. Vấn đề ông đặt ra là tại sao trái đất tròn nhưng thế giới
lại phẳng?
Friedman cho rằng trái đất mà chúng ta đang sống ngày càng
giao tiếp chặt chẽ với nhau qua kết nối của công nghệ thông tin, vượt qua những
rào cản về địa lý, chính kiến và tri thức. Vậy là thế giới phẳng chứ không tròn
như chúng ta đã biết.
Tuy vậy, tôi cũng thắc mắc, không phải nơi nào trên thế giới
cũng có trình độ IT giống nhau, những người sống trong “vùng trũng”, nơi mà máy
tính không vươn tới được, thì làm sao giao tiếp với “thế giới phẳng” bên ngoài.
Chẳng thế mà Bill Gates bình luận về cuốn sách của Friedman: “Tôi e rằng sẽ chỉ có một nửa thế giới trở
nên phẳng và tình trạng đó sẽ khó thay đổi”.
Theo phân tích của Friedman, có đến 10 yếu tố làm cho thế
giới chúng ta trở nên phẳng, ông gọi đó là những “flatteners”. Flattener #1: Khởi
đầu từ ngày 11/9/1989, ngày bức tường Berlin
sụp đổ, để rồi sau đó Cộng đồng châu Âu được thành lập và đồng tiền chung euro
ra đời. Sáu tháng sau, ngày 22/5/1990, Hệ điều hành Windows 3.0 được tung ra
thị trường.
Kể từ đó, người ta có thể nối máy tính cá nhân với điện
thoại để gửi e-mail qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP – Internet
Service Provider). Tôi rất tâm đắc với lối chơi chữ của Friedman: “When the Walls came down and the Windows
went up” (Khi Bức tường [Berlin ]
sụp đổ và Cửa sổ [Windows] mở ra).
Flattener #2 là sự ra đời của trình duyệt các trang web vào
ngày 9/8/1995 do Netscape tung ra thị trường. Flattener #3 là một cuộc cách
mạng các phần mềm thuộc nhiều lãnh vực trong khi Flattener #4 được mệnh danh là
giai đoạn Open-Sourcing qua đó người
sử dụng máy vi tính có thể dùng những ‘nguồn mở’ mà không phải trả một khoản
phí nào.
Tiếp đến là Flattener #5: Outsourcing (tìm kiếm nguồn nhân lực từ nước ngoài), Flattener #6: Offshoring (di chuyển nhà máy đến một
nước khác vì giá nhân công rẻ dẫn đến giá thành sản phẩm hạ). Flattener # 7: Supply-Chaining (hình thành mạng lưới
cung ứng giữa nhà cung cấp với người bán lẻ và người tiêu dùng).
Flattener #8: Insourcing
(các công ty nhỏ dựa vào mạng lưới dịch vụ của các công ty lớn để kinh doanh);
Flattener #9: In-Forming (tìm kiếm
thông tin bằng các công cụ của Google, Yahoo) và cuối cùng là Flattener #10: Steroid (như doping trong thể thao, đó
là những tiến bộ về kỹ thuật số giúp ngành công nghệ thông tin ngày càng tiến
bộ).
Đọc Friedman giúp cho ta có một cái nhìn bao quát hơn về thế
giới ngày nay. Thế giới đó tiến bộ không ngừng, xuất phát từ những chiếc máy
tính mà chúng ta hàng ngày ngồi gõ chữ. Nhưng nghĩ cho cùng, không phải là toàn
thế giới đều phẳng, chúng ta vẫn còn có những “vùng trũng” như đã nói ở trên.
10 “flatteners” của Thomas L. Friedman
Bill Clinton, Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ, cho biết hồi ông
mới nhậm chức năm 1993 chỉ một số ít người nói tới worldwide web thế mà chỉ 3 năm sau con mèo của ông cũng có trang
web riêng. Phải nói thêm, ông Clinton
nói “con mèo” theo nghĩa đen chứ không phải nói về cô bồ cũ Monica Lewinsky!
Internet giờ đã trở thành phổ biến khắp thế giới. Chỉ cần
một máy tính người ta có thể liên lạc với cả thế giới nhưng cũng từ máy tính
người thích cô đơn vẫn có thể ngồi một mình hàng giờ trước bàn phím. Có người
lại ví Internet như một loại rượu: ngồi nhấm nháp một mình cũng thú nhưng nhậu
với bạn bè xung quanh lại càng thú hơn.
Đồng tiền có hai mặt, tấm huy chương có mặt trái-mặt phải
thì Internet cũng có cái hay-cái dở của nó. Ngồi chơi game trên mạng cho đến
khi gục ngã trên bàn phím chắc chắn không phải là điều hay, trẻ con mới lớn tò
mò vào những trang web sex là điều dở mà Internet mang lại. “Nghiện” Internet
cũng là một hiện tượng đáng báo động, cái gì “thái quá” cũng sẽ sinh “bất cập”.
Vấn đề đặt ra là “Ai kiểm soát ai?
Internet hay con người?”.
Bất kỳ một hệ thống nào cũng cần
phải có sự kiểm soát tập trung nhằm điều hành toàn bộ, Internet cũng không phải
là một ngoại lệ. Hệ thống mạng được điều hành bởi một tổ chức phi lợi nhuận mang
tên Công ty Cung cấp Số và Tên
(Internet Corporation for Assigned Names and Numbers – ICANN) được thành lập
tại Hoa Kỳ năm 1998.
Cũng cần phải chỉ định người điều
hành các hậu tố mã quốc gia hai chữ
(two-letter country-code suffixes) như “.cn”
cho Trung Quốc, “.tw” cho Đài Loan (Taiwan). Xin nói thêm, Trung
Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần của họ nên đã phản đối việc cấp tên miền quốc
gia “.tw” cho Đài Loan.
Ngoài ra, tên miền (domain name), thí dụ như địa chỉ www.foreignaffairs.org, cần phải có
người chịu trách nhiệm điều hành về cơ sở dữ liệu các tên cùng loại tận cùng
bằng các hậu tố như “.com”, “.net”,
“.info”.
Trên Internet còn có những Con số Giao thức (Protocol Numbers) là
những mã gồm tối đa 12 con số mà người sử dụng không hề thấy. Những con số này
rất cần thiết đối với từng máy trong hệ thống để các máy khác có thể nhận diện.
Hiện nay đã có đến 4 tỷ con số giao thức trên Internet, những con số này phải
được cấp một cách dè xẻn và cẩn trọng bởi vì nếu vô tình cấp số giống nhau sẽ
tạo ra tình trạng lộn sộn trong truyền tải Internet.
Khi bạn vào một trang Web hoặc
gửi thư điện tử, máy chủ phục vụ
(root server) sẽ kết nối tên vùng với con số giao thức chỉ trong một phần nghìn
giây. Tuy nhiên, chỉ một trục trặc kỹ thuật nhỏ (chúng ta thường được báo là
“technical hiccup”) xảy ra trong số máy chủ phục vụ sẽ không cung cấp được dữ
liệu cần thiết.
Thế cho nên, phải quyết định xem
ai điều hành máy chủ và những người điều hành này được đặt tại đâu. Ngày nay,
có tới 10 máy chủ đặt tại Mỹ và 3 máy còn lại đặt tại Amsterdam (Hòa Lan),
Stockholm (Thụy Điển) và Tokyo (Nhật bản).
Chính quyền các nước trên thế
giới đang tìm cách giảm thiểu tầm kiểm soát Internet của Mỹ bằng cách kêu gọi thiết
lập một trật tự mới. Vào tháng 11/2004, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan
đã bổ nhiệm một nhóm hành động gồn 40 người để nghiên cứu vấn đề điều hành Internet
với ý định chuyển quyền kiểm soát Internet sang Liên hiệp quốc.
Chính phủ Mỹ cho thấy họ không
sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi nào qua một thông báo ngắn gọn của Bộ thương
mại: “Mỹ sẽ giữ quyền kiểm soát ICANN”.
Trong khi đó, báo chí nói đùa ICANN nên đổi thành ‘I Can’t’ với hàm ý “tôi không thể”.
Ai kiểm soát ai? Internet hay con người?
Cũng nhờ Internet mọi người ai cũng có thể làm báo, viết
báo, xem báo gần như miễn phí. Ngoài báo “lề phải” của chính phủ để tham khảo
còn có báo “lề trái” để suy gẫm đúng sai, chính đạo và tà đạo. Dĩ nhiên phân
biệt trái-phải luôn đòi hỏi trình độ của mỗi cá nhân khi bước vào thế giới ảo.
Các trang blog cá nhân là một thí dụ trong việc “viết báo
mạng”. Hơn 1/3 dân số thế giới, tức khoảng 2 tỷ người, hiện đang sử dụng mạng
Internet. Như vậy, có đến hàng triệu “nhà báo tự do” qua hình thức viết blog.
Vấn đề đặt ra là những blog đó có bao nhiêu người đọc.
Tôi mới chỉ làm quen với việc viết blog vài năm trở lại đây
khi đã về hưu. Có thể nói, tôi đã dành hết thì giờ rảnh rỗi cho blog của mình
và cũng nhận được nhiều lời khen cũng như tiếng chê của “những người bạn ảo”.
Dù khen hay chê đó chính là những phần thưởng tinh thần đối với người viết
blog.
Tôi khởi đầu với blog trên Yahoo gồm các nhóm đề tài như Hồi ức một đời người, Kiến thức ngày nay,
Học báo tiếng Anh, Thế giới đàn ông, Tạp chí Việt – Mỹ, Vietnam Investment
Review…
Blog Yahoo có nhiều điều không vừa ý như việc tải hình rất
chậm, thậm chí nhiều lúc không thể tải lên blog những tấm hình cần thiết. Tuy
nhiên, các mẫu blog trên Yahoo rất đẹp và bắt mắt. Blog Yahoo chấm dứt hoạt
động kể từ ngày 17/1/2013 nên cuối cùng cũng đành chia tay để sang blog mới.
Blog Yahoo: Nhóm ‘Vietnam
Investment Review’
Blog Yahoo: Nhóm ‘Học báo tiếng Anh’
Chia tay với Blog Yahoo tôi chuyển sang Blog Multiply với
chủ đề chính là Hồi ức một đời người.
Multiply có môi trường rất thân thiện với các bloggers và tôi cũng kết nối với
nhiều bạn mới.
Phải nói là Multiply đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đáng
nhớ với hình thức đa dạng từ bài viết, hình ảnh, video… đến các mục nhỏ nhặt
như Viewing history, View this page as
another user để có thể theo dõi phản hồi của người đọc. Tuy vậy, cũng như
Blog Yahoo, Multiply lại thông báo đóng cửa vào cuối năm 2012 nên lại một lần
nữa phải dọn nhà tìm nơi định cư mới.
Bài viết trên Blog Multiply
Comments trên Multiply
Contact List trên Multiply
Người ta thường nói “Ba
lần dọn nhà bằng một lần nhà cháy!”. Hy vọng sẽ không có lần thứ 3 trong
cuộc chạy đua trên thế giới ảo này. Lưu lạc sang Blogspot tôi hy vọng có thể
định cư lâu dài tại đây nhưng để “chắc ăn”, tôi cũng chạy sang Facebook, mở 1
account làm chỗ liên lạc với bạn bè. Mong rằng đây là trạm ghé chân cuối cùng
trong câu chuyện “Máy tính & Tôi”.
Trang Facebook
***
Chú thích:
[*] Đọc thêm bài viết Trái
đất tròn nhưng sao thế giới lại phẳng?
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến
ngày xuống lỗ)!
nhờ internet mà chúng ta có rất nhiều :)
Trả lờiXóaAnh Chính hiểu thật sâu về quá trình hình thành máy tính, nhớ thủa trước năm đầu tiên ai cũng rộn ràng bàn tán khi mà các bạn thi Tú Tài chấm điểm bằng máy IBM, đến bây giờ đã qua một chặng đường, nhìn lại cũng ngắn nhỉ? Chúng ta may mắn là những người sống và chứng kiến những vi diệu của nhân loại trong kỷ nguyên mới này. Sẽ tìm anh ở FB.
Trả lờiXóa