Pages

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Báo chí miền Bắc giai đoạn 1954-1975

Phạm vi của bài viết này là báo chí miền Bắc dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1954-1975), kể từ khi hiệp định Geneva chia cắt hai miền lãnh thổ Nam và Bắc Việt Nam. Chính quyền miền Bắc gọi nền báo chí trong thời kỳ này là “Báo chí Cách mạng”, hay hiểu một cách khác, là báo chí theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Đối với chính quyền miền Nam, còn được gọi là “Báo chí Cộng sản”.

Tác giả cũng xin giải thích thêm, vì những liên quan trước đó trong kháng chiến chống Pháp nên cũng cần phải nhắc đến sinh hoạt báo chí trong thời kỳ này, hay nói khác đi, là thời kỳ báo chí kháng chiến hay “báo chí tiền-cách-mạng” (Pre-Revolution Press).

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi tờ Le Paria (Người cùng khổ) là cột mốc lịch sử trong giai đoạn báo chí tiền-cách-mạng vì một lý do dễ hiểu: một trong những người sáng lập kiêm chủ bút là Nguyễn Ái Quốc, người sau này đứng đầu nhà nước VNDCCH qua tên Hồ Chí Minh.

Le Paria (Người cùng khổ)

Le Paria là tờ báo được xuất bản vào năm 1922 tại Paris, cơ quan chủ quản là Hội Hợp tác Người cùng khổ, trực thuộc Hội Liên hiệp Thuộc địa. Báo được in bằng tiếng Pháp với tên báo bằng ba thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Hán văn trên khổ giấy 36 x 50cm. Điều đáng nói là trên tờ báo không dùng ngôn ngữ Việt nên rất khiên cưỡng khi xếp Le Paria vào loại báo chí Việt Nam!

Trên số 1 ra ngày 1/4/1922, Le Paria đã đăng lời nói đầu, tuyên bố tờ báo “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng là giải phóng con người”. Nguyệt san Le Paria, số 14, tháng 5/1923 (một năm sau ngày ra mắt), Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: “Các bạn Pháp, các đồng bào ở thuộc địa cư trú trên đất Pháp, các anh em bản xứ ở các thuộc địa, hãy đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi. Hãy làm việc cho Le Paria, cho sự diệt trừ chế độ độc đoán chống lại bọn cá mập thực dân!”

Tờ báo là “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đó đổi thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”, tồn tại đến tháng 4/1926, tổng cộng ra được 38 số. Le Paria được bí mật chuyển về Đông Dương và đã làm tròn mục tiêu, tôn chỉ của tờ báo là chống chế độ thực dân Pháp.

Có những số báo Le Paria Nguyễn Ái Quốc viết tới 3 hoặc 4 bài. Đồng thời, hầu hết các “công đoạn làm báo” như viết tin bài, biên tập, trình bày, minh họa, vẽ tranh châm biếm, viết mẫu chữ, đưa bài sang nhà in… cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo… Nguyễn Ái Quốc đều đứng ra đảm nhiệm.

Bên cạnh các bài báo trên Le Paria, Nguyễn Ái Quốc còn là tác giả của nhiều tranh minh họa, châm biếm, với nét vẽ đơn giản ký tên Nguyen A.Q. Đối tượng của những bức tranh châm biếm là người Pháp tại thuộc địa, tự xưng là “giàu lòng bác ái” thông qua “chính sách khai hóa”.

Biếm họa của Nguyen A.Q. trên ‘Le Paria’

“Báo chí cách mạng” trong giai đoạn 1925-1945 có hai tờ báo ra đời ở hai thời điểm khác nhau, có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thực dân Pháp, cả hai tờ báo đều do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo. Đó là tờ Thanh niên, xuất bản 1925 và tờ Việt Nam Độc lập, xuất bản 1941.

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc chọn một nhóm người trong tổ chức Tâm Tâm Xã để thành lập một đoàn thể cách mạng có xu hướng Mác-xít với tên gọi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và xuất bản tờ báo Thanh niên, làm cơ quan tuyên truyền đường lối, mục đích và chương trình hành động của hội. Ngày 21/6/1925 số 1 báo Thanh Niên ra đời. Ngày nay, 21/6 cũng được chọn là ngày “Báo chí Cách mạng” Việt Nam.

Trong thời kỳ đầu ra báo Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc là Tổng biên tập, trực tiếp chỉ đạo và viết những bài quan trọng, ngoài ra còn sửa bài, vẽ tranh minh họa. Nội dung chủ yếu của tờ Thanh Niên là tập trung vào việc chống Pháp, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin và tập hợp lực lượng để đi đến việc thành lập một chính đảng làm cách mạng.

Khi tờ Thanh Niên mới xuất bản được khoảng 70 số, Chánh mật thám Đông Dương L. Marty, người đã theo dõi sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu từ cuối năm 1924, trong một báo cáo gửi Bộ Thuộc địa có nhận xét:

“Người chủ tờ báo này tỏ ra hết sức khôn ngoan, suốt 60 số đầu, không hề để lộ tính cách Mácxít của tờ báo, chỉ nói chuyện yêu nước, dân tộc và lòng căm thù chế độ thuộc địa của chúng ta, để rồi từ số 61 (ngày 18/12/1926), ông ta dẫn bạn đọc đến kết luận: muốn giành được độc lập, không có con đường nào khác là theo Lênin và Quốc tế III, lập Đảng Cộng sản…”

Báo Thanh Niên

Đến khi thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh, ngày 1/8/1941 Việt Minh ra tờ Việt Nam Độc lập, làm cơ quan tuyên truyền tại tỉnh Cao Bằng. Tôn chỉ mục đích của báo được nói rõ trong số đầu: “Cốt làm cho nhân dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật cho Việt Nam độc lập, tự do”.

Tố cáo Nhật và kêu gọi đồng bào đoàn kết, báo Việt Nam Độc lập viết: “Đồng bào ta đã bị Pháp bóc lột chẳng kém gì Nhật bóc lột dân Cao Ly. Nay lại bị Nhật bóc lột nữa. Một cổ hai tròng sống làm sao được? Muốn sống thì phải mau mau đoàn kết lại đánh đuổi Pháp Nhật giành lấy quyền độc lập tự do”.

Báo Việt Nam Độc lập

Báo Sự Thật là tiền thân của báo Nhân Dân ngày nay, phát hành số đầu tiên ngày 5/12/1945 với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, nhưng thực chất đây là tờ báo của Đảng Cộng sản, do Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm.

Năm 1946, kháng chiến toàn quốc nổ ra, báo đã di dời trụ sở đến nhiều địa điểm. Cuối năm 1947, trụ sở báo được đặt tại khu vực Khuổi Đăm, thôn Nà Khằn, xã Nghĩa Tá thuộc huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn ngày nay. Nguyễn Ái Quốc dùng tên mới là Hồ Chí Minh trong các bài viết góp phần cổ động, giáo dục và tổ chức quần chúng đoàn kết đấu tranh. Ngày 2/12/1950, báo Sự Thật ra số cuối cùng, hoàn thành vai trò lịch sử của mình, nhường vị trí cho sự ra đời của báo Nhân Dân vào năm 1951.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh và Trường Chinh cùng sự đóng góp của Ban Tuyên huấn Trung ương do Tố Hữu đứng đầu, báo Nhân Dân số đầu tiên ra mắt ngày 11/3/1951 tại chiến khu Việt Bắc với danh nghĩa “Cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam”.

Báo Nhân Dân

Giữ vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, báo Nhân Dân rất quan trọng trong thời kỳ 1954-1975 và tiếp đến là từ 1975 cho đến ngày nay. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng làm việc tại báo Nhân Dân hoặc tham gia viết bài. Trường Chinh và Tố Hữu đã từng làm chủ bút của báo này. Các đời Tổng biên tập đều giữ chức vụ từ Ủy viên Trung ương Đảng trở lên, đồng thời kiêm nhiệm một số chức vụ quan trọng khác trong Đảng.

Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập báo Nhân Dân đã tỵ nạn chính trị tại nước ngoài, cho biết số độc giả đại chúng không mấy ai mua báo hay tìm đọc tin tức của Nhân Dân vì báo không có gì mới mẻ mà chỉ đưa những tin chính quyền muốn nói. Ông cũng nói thêm về ngân sách khá lớn mà chính phủ VNDCCH chu cấp cho báo Nhân Dân: “Tôi là phó tổng biên tập mà lương ngang với trung tướng bên quân đội”.

Từ tháng 10/1954, sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, báo Nhân Dân chuyển về Hà Nội, xuất bản hằng ngày, tòa soạn đặt trụ sở tại số 71 Hàng Trống và có nhà in riêng ở phố Tràng Tiền. Sang thế kỷ 21, Nhân Dân phát hành 180.000 bản mỗi ngày, báo Nhân Dân Cuối tuần có lượng phát hành 110.000 tờ mỗi kỳ, và Nguyệt san Nhân Dân được phát hành 130.000 số/kỳ. Ngoài ra, Nhân Dân Điện tử được ra đời trên Internet vào ngày 21/6/1998, ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng tại Việt Nam.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ sáu năm 1954, báo Nhân Dân chuyển sang tuyên truyền, cổ động, chuẩn bị tư tưởng xã hội cho việc thực hiện những nhiệm vụ mới. Báo là một công cụ tham gia tích cực trong việc chống Mỹ và chính quyền miền Nam. Tờ báo cổ vũ cuộc đấu tranh tại miền Nam, sau đó là các cuộc chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, chiến tranh bằng không quân chống miền Bắc, chiến tranh Việt Nam hóa.

Tờ báo tự hào viết: “Báo Nhân Dân là cơ quan của Trung ương có bước đi dài nhất và vì quá trình hoạt động của nó đi liền với những cuộc chiến đấu lớn, những giai đoạn phát triển lớn của cách mạng nước ta cho nên lịch sử của nó lâu dài nhất, phong phú nhất”.

Báo Nhân Dân, số đặc biệt ra chiều Thứ Năm, 4/9/1969
đăng Thông Cáo Đặc Biệt về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần

Ngày 20/10/1950, tại Định Hóa, Thái Nguyên, báo Quân đội Nhân dân ra mắt số đầu tiên. Tiền thân của Quân đội Nhân dân là các tờ Tiếng súng reo, Quân giải phóng, Chiến thắng, Sao Vàng, Vệ quốc quân Quân du kích. Tên gọi Quân đội Nhân dân được tờ báo giải thích: “Một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”.

Tiền thân của báo Quân đội Nhân dân

Báo Quân đội Nhân dân bắt đầu ra một tuần 6 số (nghỉ Thứ Bảy) kể từ ngày 19/5/1965. Tờ báo không được chuyển vào Nam, song nhờ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, qua mục giới thiệu báo và đọc báo, nội dung chủ yếu của báo vẫn đến được miền Nam vào thời điểm cuộc chiến tranh đi vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Hiện nay báo Quân đội Nhân dân có 4 ấn phẩm: báo Quân đội Nhân dân hằng ngày (ra tất cả những ngày trong tuần, 8 trang, in màu trang 1 và 8), báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, báo Quân đội Nhân dân điện tử (tiếng Việt và tiếng Anh).

Báo Quân đội Nhân dân

Bên cạnh những nhật báo còn có các ấn bản định kỳ, nổi bật nhất là Nhân Văn do Phan Khôi làm chủ nhiệm với 5 số báo trước khi bị đóng cửa và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải đình bản. Nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm [*] nổi lên như một hiện tượng đặc thù trong bối cảnh miền Bắc đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa.

Theo Thụy Khê, hiện tượng Nhân Văn - Giai Phẩm trước hết là một trào lưu tư tưởng bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật. Tiếp đó là một cuộc “cách mạng văn học” đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc thời kỳ 1960. Cuộc “cách mạng” này đã xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản.

Cái gọi là “Vụ án Nhân văn – Giai phẩm” thực ra bao gồm các báo Nhân Văn, Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới - Chuyện Sinh Viên, Văn... và các sách thuộc dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụng… Tất cả được gọi chung là “Nhân Văn – Giai Phẩm”

Tạp chí Nhân Văn

Những người khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội. Họ bị đàn áp và xét xử như một vụ án chính trị, hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân… Theo sau đó là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, giáo viên, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, kể cả những cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước...

Cũng vì thế, tác giả Thụy Khê có một cái nhìn bao quát hơn: “Với tất cả những gì đã xảy ra, xem xét vụ Nhân Văn Giai Phẩm nên được đánh giá dưới góc độ là một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành thì đúng hơn, để đi tìm cách cắt nghĩa nó, gìn giữ những gì nó đặt ra, nó để lại cho đời sống chính trị, cho nền văn học nước nhà. Còn nếu coi là vụ án chính trị phản động thì không cần tốn giấy mực để viết về nó trong lịch sử văn học làm gì”.

Sau khi bị đàn áp, Nhân Văn - Giai Phẩm không chết ngay, trái lại, nó còn tồn tại dai dẳng trong một số sáng tác của Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan... thậm chí cả Nguyễn Chí Thiện, nhóm Văn nghệ Chân đất ở Hà Nội những năm 70-80, cho đến vụ Hoàng Cầm, Hoàng Hưng bị bắt năm 1982.

Trong giai đoạn Đổi mới, một số nhân vật chủ chốt trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm 50 năm về trước lại được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, các mục tiêu tự do tư tưởng, tự do sáng tác, dân chủ xã hội pháp quyền, cách tân nghệ thuật mà Nhân Văn - Giai Phẩm đã đặt ra thì vẫn còn là vấn đề đối với các thế hệ người Việt Nam đến tận ngày nay.

Giai Phẩm Mùa Thu

Đặc điểm của nền báo chí miền Bắc thời kỳ 1954-1975 là sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng và Nhà nước. Tất cả những báo lưu hành đều do các cơ quan, đoàn thể chủ quản, khái niệm về “báo của tư nhân” hoàn toàn xa lạ trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

Cơ quan có nhiều tạp chí nhất là Viện Khoa Xã hội Việt Nam với trụ sở chính đặt tại Hà Nội, có tất cả không dưới 30 tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực khoa học xã hội. Mỗi tạp chí thuộc một viện chuyên ngành hoặc trung tâm tương ứng như tạp chí Nghiên cứu Lịch sử thuộc Viện Sử học, tạp chí Châu Mỹ Ngày nay thuộc Viện Nghiên cứu châu Mỹ, tạp chí Địa lý và Nhân văn thuộc Trung tâm Địa lý và Nhân văn…

Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử

Những thông tin cung cấp cho báo chí đều qua hãng thông tấn đầu tiên và duy nhất của Nhà nước VNDCCH, được gọi là Thông tấn xã Việt Nam với trụ sở chính đặt tại phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước năm 1945, Việt Nam không có hãng thông tấn, tin tức chủ yếu do các hãng tin của Pháp và phương Tây phát ra, thông qua Sở Tuyên truyền Báo chí của Pháp. Ngay khi tiếp quản Hà Nội, Nha Thông tin thuộc Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời đã cho lập Việt Nam Thông tấn xã vào ngày 23/8/1945 với nhiệm vụ thu thập và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Paris.

Đến ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã đã phát sóng ra thế giới bản tin đầu tiên cùng toàn văn Tuyên ngôn độc lập và chính thức chọn làm ngày thành lập. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, bộ phận biệt phái của Việt Nam Thông tấn xã ở Nam Bộ đã đứng ra thành lập Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - vào ngày 12/10/1960.

“Báo chí Cách mạng” cũng có nhiều kỷ lục đáng ghi nhận. Báo đổi tên nhiều nhất là tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Số đầu tiên ra ngày 5/8/1930 với tên tạp chí Đỏ, sau đó đổi tên thành Cộng sản trong cùng năm, rồi lại lấy tên Bônsêvich (1935), Sinh hoạt nội bộ (1947), Học tập (1955-1976) và cuối cùng là Tạp chí Cộng sản cho đến ngày nay.

Báo in bằng nhiều thứ tiếng nhất thuộc về Báo ảnh Việt Nam của Thông tấn xã Việt Nam, ra đời năm 1954, xuất bản hàng tháng. Đã có thời kỳ báo in bằng 10 thứ tiếng, trong đó gồm tiếng Việt, Khơme, Nga, Anh, Pháp, Trung (Hán, Hoa), Lào, Đức, Tây Ban Nha và Esperanto (Quốc tế ngữ).

Báo ảnh Việt Nam

***

[*] Đọc thêm về Nhân Văn – Giai phẩm qua các bài viết của NNC:

  • Nhân văn – Giai phẩm: Những nhân vật có liên quan



  • Nhân văn – Giai Phẩm: Trần Dần, phản cách mạng hay cách tân?

  • Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét