Pages

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Thi cử ngày xưa

Ngày xưa, "lều” và “chõng" là một hiện tượng đặc thù của nền “văn hóa thi cử” Việt Nam. Đây cũng là tựa đề của cuốn truyện “Lều Chõng” mà Ngô Tất Tố đã giới thiệu trên báo “Thời Vụ”, số 109 ra ngày 10/3/1939, với những nhận xét có phần cay đắng về giới “lều chõng”:

"Lều" "Chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra.

“Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía…”

Trường thi theo phong cách xưa

Dưới triều nhà Lý và nhà Trần, cả ba tôn giáo - Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo - đều được coi trọng và đối xử một cách công bằng. Triều đình nhà Lý đã mở các khoa thi “Tam trường” để lấy người bổ làm quan. Sang đời Hậu Lê thì Nho học độc tôn. Triều nhà Lê còn mở khoa thi kinh điển dành riêng cho các nhà tu hành một cách hạn chế.

Một khoa thi tại Nam Định: có hơn 10.000 sĩ tử nhưng chỉ chọn được 60 người

Đến thời vua Minh Mệnh, Nho học suy vi. Khi Việt Nam tiếp xúc với Tây phương qua thời kỳ Thuộc địa của người Pháp, tình trạng xã hội biến thiên nhanh chóng, Nho học phải nhường chỗ cho các học thuật mới. Việt Nam sau khi trở thành thuộc địa thì bỏ khoa cử mà theo Pháp học, riêng ở miền Bắc vào năm 1915 và miền Trung, năm 1918, việc thi cử theo lối cũ mới kết thúc.

Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong các đời Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử.

Giám khảo trong kỳ thi

Theo học giả Đào Duy Anh, năm 1397, triều nhà Trần, Hồ Quý Ly lại bắt đầu định phép thi Hương. Những người trúng tuyển cử nhân trong kỳ thi Hương mới được dự thi Hội tổ chức vào năm sau. Ai đỗ thi Hội thì thi một bài văn sách nữa để định cao thấp, được gọi là thi Đình.

Nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ đánh thắng nhà Minh, vẫn chưa định phép thi Hương, thi Hội, đến đời vua Lê Thái Tông mới hạ chiếu thi khảo trong nước. Kỳ thi này lấy hơn ngàn người trúng tuyển, chia làm ba hạng: hạng nhất và nhì bổ vào Quốc tử giám còn hạng ba vào trường ở các đạo để học tập, họ được miễn lao dịch.

Công bố kết quả sau kỳ thi

Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất. Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.

Trước năm 1442, thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ.

Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ tiến sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng (ông Phó Bảng hay Ất tiến sĩ). Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định, đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam.

Chủ khảo hội đồng thi

Kỳ thi cao nhất là thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nơi thi là một cái nghè lớn, nên sau này người ta thường gọi các vị vào thi là các “Ông Nghè”. Nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ. Người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên.

Đôi khi lúc chấm bài, chủ khảo (trong đó có cả vua) thấy người thủ khoa không đạt được điểm số tối thiểu để gọi là Trạng. Những khoa này sẽ không có trạng nguyên - thủ khoa giữ cấp Đình nguyên (như trường hợp Lê Quý Đôn đỗ cao nhất nhưng chỉ được cấp vị Đình nguyên Bảng nhãn). Theo lệ cũ, người nào đã thi Hội đỗ vào thi Đình đều không bị đánh hỏng,. Riêng chỉ có khoa thi năm 1496, vua Lê Thánh Tông thân hành xem xét và đã đánh hỏng 11 người.

Thời nhà Nguyễn, thi Đình chỉ đối sách một bài rất dài. Quan trường hội đồng xét văn rồi đứng lên Ngự lãm, điểm cao lấy vào hạng Tiến sĩ, điểm thấp thì vào hạng Phó bảng. Vào năm 1828 vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và bỏ Đệ nhất giáp. Học vị trạng nguyên, bảng nhãn không còn trên khoa bảng từ đó.

Tân khoa ra mắt chức sắc vào thời Pháp thuộc

Lê Quý Đôn khi bình về việc thi cử đời nhà Hậu Lê cho rằng: “Quốc giao khôi phục sau khi nhiễu nhương thì nhà Nho vắng vẻ, đến đời Hồng Đức mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn, đời Đoan Khánh trở đi thì sĩ tập suy bại quá lắm”.

Vua Minh Mệnh triều Nguyễn cũng đã phê phán : “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những người làm văn cử nghiệp thì câu nệ hủ sáo, khoe khoang lẫn nhau, biệt mối nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi”.

Pham Kế Bính đưa ra nhận xét: “Xưa nay lối khoa cử của ta là một con đường rộng rãi phẳng phiu cho bọn sĩ phu. Sĩ phu có do con đường ấy xuất thân mới là chinh đồ, mà sự vinh hạnh về sau cũng bởi đó mà ra cả. Bởi vậy nhân tâm nước mình say mê bia đá bảng vàng, cố sức dùi mài truyện hiền, kinh thánh, có người đầu bạc mà vẫn chịu khó đeo bộ lều chiếu để đua ganh với bọn thiếu niên. Mà rút lại thì có gì đâu, học cũng chẳng qua là học văn chương, thi cũng chẳng qua là thi văn chương...”

***

* Hình ảnh sử dụng trong bài này có xuất xứ từ bài viết “L'enseignement en Indochine” trên trang web http://belleindochine.free.fr/


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét