“… Kinh – Thượng kết
đoàn, trường Ban Mê Thuột ngày thêm tươi sáng…”
(Lời
‘Hiệu Đoàn Ca’ trường Trung học Ban Mê
Thuột)
Đó là những lời ca “không-thể-nào-quên” của những ai đã từng
mài đũng quần trên ghế trường Trung học Ban Mê Thuột trước ngày Sài Gòn thất thủ.
Bài Hiệu Đoàn Ca và huy hiệu Con Voi là những nét đặc trưng không thể nhầm lẫn
với bất cứ một trường nào tại Việt Nam!
Huy hiệu “đầu voi” của trường TH BMT
(Hình: Kỷ yếu THBMT trên Flickr)
Ban Mê Thuột là một thành phố nhỏ nhưng lại là nơi đã từng
một thời mang dấu chân của những tên tuổi lớn như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây chính là nơi
ông ra đời chào đời năm 1939 tại xã Lạc Giao, nay đổi tên là phường Thống Nhất.
Vào đầu thập niên 60, sau khi theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn ông đã lang
thang lên Bảo Lộc và Ban Mê Thuột với nghề gõ đầu trẻ.
Cố nhà văn
Thế Uyên và cũng là nhà giáo Nguyễn Kim Dũng đã
từng sống và dạy học tại ngôi trường Trung học Ban Mê Thuột. Khi đó tôi đang học
lớp Đệ Tứ tại trường và giáo sư Nguyễn Kim Dũng đã tỏa sức thu hút đến lũ học
trò chúng tôi qua một môn học xưa nay vẫn nổi tiếng là khô khan: Triết học [1].
Nhiều
người Ban Mê Thuột vẫn còn nhớ, một kỳ bầu cử Quốc hội thời VNCH có hai người
cùng tên Chi ra ứng cử, và đặc biệt hơn nữa, cả hai người đều hoạt động trong
lãnh vực giáo dục. Một
số học sinh chúng tôi đã hết lòng đi vận động cho thầy Bùi Dương Chi, giáo sư
Anh văn, nhưng cuối cùng thì ‘đối thủ’ của thầy, cũng tên Chi thuộc ty Tiểu học,
lại thắng thế. Thầy trò sau thất bại đó mới nhận ra ngay tại thị xã thầy Chi có
số phiếu bầu rất cao nhưng tại các vùng buôn làng sự vận động lại yếu hơn. Âu
đó cũng là một bài học.
Một
người bạn học với tôi cho đến năm Đệ Tứ tại trường Trung học Ban Mê Thuột, Mai
Tiến Thành, cũng đã đi vào văn học miền Nam qua nhân vật học trò Nguyễn Duy
Minh yêu cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm trong tiểu thuyết ‘Vòng tay học trò’ của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng [2].
Bạn
cùng lớp với tôi có trường hợp của hai anh em Phạm Văn Quảng và Phạm Văn Thành học
chung một lớp nhưng về sau tương lai của cả hai đi theo hai con đường khác
nhau. Quảng
chọn binh nghiệp qua con đường ‘sĩ quan hiện dịch’ Võ Bị Đà Lạt và đã nằm xuống
lòng đất mẹ rất sớm trong khi người em tiếp tục chọn con đường du học và thành
đạt vẻ vang với văn bằng Tiến sĩ (PhD) tại Canada. Thành được coi là tấm gương
sáng và cũng là một trong những học sinh xuất sắc của trường Trung học Ban Mê
Thuột.
Theo
trang web mới nhất của Trường Trung học Phổ thông Buôn Ma Thuột (http://thpt-buonmathuot-daklak.edu.vn/
), nổi bật trong thế hệ học sinh đàn em sau này đã tốt nghiệp và thành đạt có
thể kể đến Lê Đình Duy (khóa 1988 -1991) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Công nghệ Thông tin tại Nhật Bản, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Công nghệ Thông tin Quốc gia Nhật Bản. Ngoài ra còn có Ngô Minh Toàn (khoá 1994-1996), bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Vật lý tại Ý, hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ.
Trường Trung học
Ban Mê Thuột (nay là trường Trung học Phổ thông Buôn Ma Thuột)
được thành lập từ năm 1955 từ việc hợp nhất giữa trường Y
Yut (có từ thời Pháp thuộc, lúc đầu có tên là Collège
Sabatier – dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương do thầy
Đỗ Đức Riệu làm Hiệu trưởng) và trường Trung học Nguyễn Trường Tộ (hình thành năm 1956, dành cho con em đồng bào người kinh đến Ban Mê Thuột lập nghiệp
do thầy Đỗ Trọng Thạc làm Hiệu trưởng).
Khi mới thành lập, trường Trung học Nguyễn Trường Tộ chỉ
có một lớp Đệ thất (tương đương với tên gọi Lớp 6 ngày nay) gồm 40 học
sinh. Vì chưa có trường sở nên lớp học phải tạm thời đặt tại khách sạn bằng gỗ, thuê của bà Nicholas (người Pháp). Cũng vì thế nên còn gọi là trường Nicholas.
Niên học 1957-1958 đã có thêm một lớp Đệ thất mới và cũng
thêm các giáo sư được bổ nhiệm để dạy cả hai trường Nguyễn Trường Tộ và Y Yút. Thầy Phạm Văn Đồng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng chung cho cả hai trường
với nhiệm vụ hợp nhất sách Kinh-Thượng để dạy Việt ngữ dưới một mái trường
chung.
Đến đầu năm 1960 tên trường Trung học Ban Mê Thuột mới được
sử dụng chính thức. Các thầy được bổ nhiệm Hiệu trưởng trong thời kỳ này là thầy
Nguyễn Khoa Phước (1962-1963), thầy Nguyễn Khoa Tuấn (1964-1968).
Trường Trung học Ban Mê Thuột trước 1975
Tuy nhiên, viết về Ban Mê Thuột mà không nói đến người Thượng tại Buôn Ma Thuột sẽ là một thiếu sót lớn vì Cao nguyên Trung phần
vốn là vùng đất nguyên thủy của các nhóm sắc tộc
bản địa như Ba Na, Jarai, Ê Đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông. Trong số các nhóm
sắc tộc đó, người Ê Đê, hay còn gọi là Rađê, phần lớn sinh sống tại Ban Mê Thuột.
Tên
của các danh nhân người Thượng cũng xuất hiện trên đường phố Ban Mê Thuột bên cạnh
những tên người Việt. Những cái tên như Y Jút, Ama Trang Long được trịnh trọng
đặt cho những con đường chính trong thị trấn bên cạnh các con đường Quang
Trung, Lý Thường Kiệt, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thái Học…
Y
Jút và Y Út là hai thầy giáo người Thượng đã sáng tạo ra chữ viết của người Thượng
theo mẫu tự Latin vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Ama Trang Long là tù trưởng
người M’Nông đã nổi dậy chống Pháp trong suốt hơn 20 năm đầu thế kỷ 20. Ở BMT có tên đường Ama Trang Long nhưng ông
còn có những tên được phát âm là N'Trang Lơng hay Nơ Trang Long hoặc thuần Việt
như Ma Trang Sơn.
Từ
năm 1956, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, trong chiến lược chống cộng của Tổng thống
Ngô Đình Diệm, các cố vấn quân sự Mỹ vào tận các buôn làng người Thượng để
trang bị vũ khí cho thanh niên, thành lập các đội Dân sự Chiến đấu Thượng
(Civilian Indigenous Defense Group, CIDG) phối hợp cùng Lực lượng Đặc biệt
(Special Forces) Hoa Kỳ nổi tiếng với chiếc berret xanh.
Tướng Westmoreland với Lực lượng Đặc biệt & CIDG
Năm
1963, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, tất cả những lãnh tụ
phong trào của người Thượng Bajaraka bị nền Đệ nhất Cộng hòa giam giữ đều được
trả tự do. Dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, ông Y Bhăm Ênuôl, chủ tịch phong trào Bajaraka,
được bổ nhiệm vào chức vụ Phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc và ông Paul Nưr, phó chủ
tịch Bajaraka, được bổ nhiệm vào chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum.
Tháng
3/1964, được sự ủng hộ của Mỹ, những người lãnh đạo phong trào Bajaraka kết hợp
với sắc tộc Thượng khác và người Chàm tại miền Trung thành lập Mặt trận Giải
phóng Cao nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux - FLHP).
Mặt
trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, còn gọi là FULRO, chữ tắt
từ tiếng Pháp “Front Unifié pour la
Libération des Races Opprimées” là một tổ chức liên minh chính trị - quân sự
của các sắc tộc Cao nguyên Trung phần gồm các dân tộc thiểu số Chàm, Khmer và
Thượng tồn tại từ 1964 đến 1992. Tổ chức này chủ trương đấu tranh cho quyền tự
quyết của các sắc tộc trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và kế tiếp là Cộng hòa Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
‘Người
Thượng’ là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống trên cao
nguyên miền Trung Việt Nam. Tiếng Pháp dùng thuật ngữ ‘Montagnard’ vốn có nghĩa là ‘người miền núi’, trong khi đó ‘Degar’
là cách gọi có nguồn gốc dân tộc bản địa.
Xưa
kia, người ta còn dùng chữ ‘Mọi’ một cách miệt thị để chỉ những dân tộc bán
khai miền sơn cước. Ngay từ năm 1621, giáo sĩ Borri gọi chung những nhóm người
Thượng bằng cái tên ‘Kemoy’ có nghĩa là ‘Kẻ Mọi’ và cũng kể từ đó trong tiếng
Việt có tên ‘Mọi’ để chỉ người Thượng. Sau này lại có thêm một cái tên miệt thị
là “Mọi cà răng, căng tai”.
‘Thượng’ có nghĩa là ở trên, người Thượng là người ở
miền cao hay miền núi, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống
tại Miền Thượng, sau này được gọi là Tây Nguyên. Thế cho nên Người Thượng theo nghĩa rộng cũng có thể
đề cập đến tất cả các dân tộc thiểu số ở miền Cao nguyên Trung phần nói chung.
Người Thượng Ban Mê Thuột
Người
Thượng theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế
và đàn ông sống trong gia đình nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai
thay thế thì người chồng phải về với chị em gái mình. Khi chết, được đưa về
chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ.
Người
Rađê tính tình trung thực, chịu đựng gian khổ trong cuộc sống, chăm chỉ trong
công việc. Cả người già lẫn người trẻ đều có bản tính hiền hòa, không thích ba
hoa hay nói dối. Vì vậy, nếu ai nói dối, lừa gạt một người Rađê, dù chỉ một lần
thôi, cũng đủ để mất hết lòng tin thậm chí dẫn đến hận thù dai dẳng.
Phần
lớn người Rađê theo đạo Tin Lành được các nhà truyền giáo phương Tây truyền vào
những năm đầu của thế kỷ 20. Đắc Lắc nơi tập trung đông người Rađê nhất cũng là
nơi có tín đồ Tin Lành nhiều nhất Việt Nam, đây được coi một trong những trung
tâm đạo Tin Lành lớn nhất khu vực Đông Dương.
Sau
Hiệp định Genève, Tổng thống Diệm hủy bỏ quy chế Hoàng triều Cương thổ, chấm dứt
đặc quyền của Quốc trưởng Bảo Đại trên vùng Cao nguyên và biến vùng đất này vào
lãnh thổ chung của Quốc gia Việt Nam. Về mặt kinh tế có chính sách mở rộng đất
đai canh tác và lập các khu dinh điền, định cư hàng trăm nghìn người Công Giáo
từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.
Một
số được đưa lên vùng Cao Nguyên, họ chiếm đất của người Thượng để hình thành
các khu dinh điền. Sự xuất hiện đột ngột của người Kinh, cùng với sự kỳ thị chủng
tộc, mất đất đai, văn hóa bị xâm phạm, đã để lại vết đau trong tinh thần của
người Rađê. Đó là sự lập lại của lịch sử như thời kỳ Nam tiến của các Chúa Nguyễn,
chiếm đất của người Chàm, xóa sổ vương quốc Chiêm Thành ở miền Trung.
Ngày
nay, còn khoảng 330.000 người Rađê cư trú tại tỉnh Đắc Lắc, phía nam của tỉnh
Gia Lai và phía tây của hai tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên. Tại một số quốc gia khác
trên khắp thế giới, như Campuchia, Hoa Kỳ, Canada và các nước Bắc Âu, cũng có một
số người Rađê hiện sống lưu vong sau năm 1975.
Năm
1990, tại Nam Carolina, Hoa Kỳ, Quỹ Người Thượng (Montagnard Foundation, Inc.)
được ông Ksor Kok thành lập với mục đích bảo vệ cuộc sống và văn hóa người Thượng
ở Cao Nguyên Việt Nam. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận tại hải ngoại nhằm giúp
đỡ người Thượng ở trong nước thông qua các hoạt động xã hội.
Tháng
2/2000 hàng ngàn người Thượng tại Cao nguyên lại băng rừng vượt núi sang
Campuchia lánh nạn. Họ được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ở Campuchia cấp qui chế tị nạn.
Đến tháng 6/2002, Hoa Kỳ cho phép gần 1000 người Thượng về định cư tại các
thành phố Raleigh, Charlotte và Greensboro thuộc tiểu bang North Carolina. Đây
là đợt định cư nhân đạo lớn nhất trong lịch sử tiếp nhận người tị nạn của North
Carolina nói riêng.
Một cặp vợ chồng người Rađê
Dưới
thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, Trường Trung học Ban Mê Thuột có Ký túc xá dành
cho các con em người Thượng từ các buôn làng xa xôi về học cùng học sinh người
Việt theo chương trình giáo dục của chính phủ. Không những vậy, con em các dân
tộc thiểu số khác, như người Thái, người Mường, từ miền Bắc di cư vào Nam năm
1954 cũng được tiếp nhận vào Ký túc xá.
Trong
suốt thời gian học tại BMT vào thập niên 60 tôi đã có dịp tiếp xúc với một vài
học sinh người Rađê thường mang họ “Y” nếu là nam sinh và họ “Hờ” (H’) nếu là nữ
sinh tại trường. Học sinh người Thượng trong trường sống lặng lẽ trong Ký túc
xá, họ rất ít khi tiếp xúc với đám học sinh người Việt có lẽ vì mặc cảm của dân
tộc thiểu số.
Tôi
còn nhớ mãi những kỷ niệm với các bạn học sinh Thượng cùng lớp như Y Tun, K’sor
Híp, K’sor Lương… Thật ra thì họ rất cởi mở một khi bức tường ‘ngăn cách’ được
xóa bỏ, kết bạn với họ tôi cảm thấy thoải mái vì tính thành thật cũng như cởi mở
vốn có của người Thượng.
Nói
chung, nam nữ học sinh người Thượng vốn là thành phần được coi là ‘ưu tú’ của cộng
đồng người thiểu số nhưng luôn luôn vẫn còn đó sự ‘ngăn cách’ giữa người Kinh
và người Thượng. Sự tiếp xúc trong mối quan hệ học sinh Kinh-Thượng tại trường
chỉ mang tính cách ‘xã giao’ dù nhà trường đã đề cao khẩu hiệu ‘kết đoàn’ như
trong bài Hiệu Đoàn Ca đã được nói ở trên.
Thế
mới biết, từ thực tế cuộc sống đến các khẩu hiệu được đề ra luôn có một khoảng
cách. Người ta chỉ có thể trách cái ‘hố ngăn cách’ đó là kết quả của những năm
dài khi những người Kinh đầu tiên lên Cao nguyên vốn là đất của người Thượng.
Và đa số người Thượng luôn mang mặc cảm… vùng đất của họ đã bị người Kinh xâm lấn.
Người Thượng đóng khố trong cộng đồng người Kinh
Rất
khó để tìm ra một trường hợp điển hình người Rađê thành công trong xã hội người
Kinh ngay trên vùng đất Cao Nguyên của họ. Có lẽ trường hợp nhà sách Cao Trí
trên đường Nguyễn Thái Học là điển hình duy nhất về thành công trong kinh doanh
của người Thượng ở BMT.
Tôi
còn nhớ mãi chủ nhà sách Cao Trí là một ông người Thượng với bộ mặt lầm lì, nước
da ông ngăm ngăm đen và ông nói tiếng Việt lơ lớ giọng Huế. Ông chủ tiệm sách
tên thật là Y Ti nhưng người ta quen gọi ông là Y Trí, có lẽ vì cái bảng hiệu
Cao Trí.
Một
người Thượng làm chủ một cửa hàng sách báo đã là một điều lạ nhưng còn lạ hơn nữa
bà chủ lại là người Kinh, họ Lê, gốc Huế từ Đà Nẵng vào. Hai ông bà gặp nhau tại
BMT và kết quả của mối lương duyên Kinh-Thượng là hai người thành gia thất và
khi con cái ra đời, ông Y Trí vẫn theo tục lệ ‘mẫu hệ’ của người Thượng, các
con đều mang họ mẹ.
Trên
thực tế, đàn ông người Kinh kết hôn với phụ nữ người Thượng tại vùng Cao Nguyên
xảy ra nhiều hơn nhưng trường hợp của ông Y Tri lấy một bà người Việt là rất hiếm.
Người ta thường nói tình yêu ‘không biên giới’ là vậy!
Những
người lớn tuổi thường kể vào thời Pháp thuộc người Việt bị hạn chế trong việc
di dân lên Cao Nguyên, chỉ có một số ít người Kinh tới BMT mang theo muối, đường,
vải sợi và cả kim băng để đổi lấy gạc nai, ngà voi, mật ong và thịt thú rừng
đem về vùng đồng bằng.
Hồi
đó người Thượng chưa biết đến tiền bạc, họ chỉ mua bán qua hình thức ‘trao đổi’
(barter) những cái họ có sẵn để lấy những thứ họ cần thiết. Trong những chuyến
hàng ‘trao đổi’ như vậy, người Kinh luôn thu về mối lợi cho mình và người Thượng
với bản tính hiền hòa, chất phác luôn là ‘mồi ngon’ cho những con buôn người
Kinh.
Trong khi
miền thượng du Bắc Việt có rượu Táo Mèo, người Thượng tại Cao nguyên Trung phần
nổi tiếng với Rượu cần. Cách nấu rượu, tôi nghĩ, cũng gần như nhau nhưng cách
uống tại xứ Thượng có phần khác lạ.
Rượu được
chứa trong một cái chóe lớn, người uống không dùng ly mà thay vào đó là cái ‘cần’,
một hình thức của ‘ống hút’, được nối giữa người thưởng thức rượu với chóe. Tôi
nghĩ cái hay của rượu cần là việc không kiểm soát được ‘tửu lượng’ của người
uống, do vậy người ta chỉ việc ‘ngậm’ cần mà không uống cũng chẳng ai biết. Tuy
nhiên, việc nhiều người ‘ngậm’ cùng một cần là điều trái với vệ sinh thường
thức.
“Uống” rượu cần
Ngoài
ngôn ngữ của các dân tộc người Thượng còn có chữ viết do các nhà truyền giáo
Phương Tây ghi chép lại. Trên thực tế, chữ viết của người Thượng rất sơ khai và
đó cũng là một trở ngại trong việc bảo tồn văn hóa của họ. Ngày xưa, rất nhiều
người Kinh tại BMT cố học dăm ba tiếng Thượng để giao dịch, buôn bán.
Tiếng
Thượng của người Rađê thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Polynesia rất gần gũi với
ngôn ngữ của Mã Lai cũng như người Chàm. Chẳng hạn như cách đếm số, ta có số 1
là ‘sa’, tiếng Chàm cũng là ‘sa’, tiếng Mã Lai lại là ‘satu’. Với trường hợp số 2, cả ba ngôn
ngữ đều là ‘đua’.
Có
dạo gia đình tôi sống trên đường Ama Trang Long, đối diện với tiệm bán phụ tùng
xe hơi Lê Đức Viên. Gia đình bà Viên có Lê Đức Dũng học dưới tôi vài lớp, mãi đến
sau này tôi mới phát hiện một tài năng nói tiếng Thượng của Dũng.
Không
những rành về tiếng Thượng mà khi phát âm Dũng có accent không thua gì người
Thượng chính gốc. Trong một buổi gặp gỡ tại Sài Gòn sau năm 1975 Dũng còn sử dụng
tiếng Thượng trong vai trò ‘thầy mo’ cúng ‘giàng’.
Dân
tộc thiểu số trên Cao Nguyên dùng chữ ‘giàng’ (còn gọi là ‘Yàng’ hay ‘Yang’) để
chỉ vị chúa tể thần linh tức là ‘ông trời’
theo cách gọi của người Việt. Trong một phút cao hứng, Lê Đức Dũng diễn tả những
lời cúng ‘giàng’ như một thầy mo chuyên nghiệp. Tôi rất ngưỡng mộ khả năng
thiên phú về tiếng Thượng của Dũng nhưng đáng tiếc anh đã qua đời khi hãy còn
tương đối trẻ.
Mẹ & Con
‘Kâo’ trong tiếng Rađê và
Jarai là ‘tôi’ nhưng người ta cũng thấy
‘kâo’ xuất hiện trong tiếng Chàm và
Mã Lai. Nếu học được chữ ‘kâo’, người
Việt có thể đoán ‘Kâo sang chơ’ là ‘Tôi đi chợ’ vì người Thượng không có
khái niệm về ‘chợ’ nên phải mượn chữ ‘chợ’ của người Kinh.
Tôi
cũng đã có thời gian làm việc với đoàn Y tế Milphap (Military Provincial Health
Assistance Program) tại Dân y viện Ban Mê Thuột và đây cũng là cơ hội để tôi học
được một số tiếng Thượng qua tiếp xúc với các bệnh nhân và y tá người
Rahdé.
Kỷ
niệm về ‘ngôn ngữ’ còn nhớ cho đến bây giờ là chuyện một số y tá người Thượng đã
‘chơi chữ’ với một cô giáo người Kinh. Cô giáo vốn chân ướt chân ráo lên miền
Thượng dạy y tế cho người Thượng nên rất muốn học một ít tiếng Thượng để dễ
dàng trong việc giao tế hàng ngày.
Trong
số học viên y tá người Thượng có anh dậy cho cô một câu: “Kâo chăng ung” và giải thích là “Chào buổi sáng”. Thế là ngay ngày hôm sau cô áp dụng câu vừa học với
các học sinh khi vào lớp. Khi nghe câu “Kâo
chăng ung” cả lớp cười ồ trước sự ngỡ ngàng của cô giáo. Mãi hôm sau, nhờ bí
mật tìm hiếu về câu “Kâo chăng ung” cô
giáo mới ‘tá hỏa’ khi phát hiện đó không phải là lới chào buổi sáng mà là “Tôi muốn chồng”!
Câu
chuyện mang âm hưởng chuyện tình của ông chủ nhà sách Cao Trí Y Ti kết hôn cùng
một bà người Việt mang tính cách đặc thù của xứ Thượng ‘mẫu hệ’, người con gái
‘cưới’ chồng chứ không phải là người con trai ‘chọn’ vợ.
Đời
người có rất nhiều chuyện lạ để khám phá, trong đó chuyện mang tính cách ‘tiếu
lâm’ miền Thượng của cô giáo người Kinh là một kỷ niệm sâu xắc nhất mà tôi còn
nhớ lại cho đến bây giờ. Làm sao có thể quên được khi cô giáo đó lại chính là ‘bà
xã’ của tôi sau này!
Cô giáo người Kinh bên học trò người Thượng
***
Chú
thích:
[1]
Về nhà văn Thế Uyên và giáo sư Nguyễn Đình Dũng, xem thêm bài viết “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng” tại:
[2]
Xem “Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn
Thị Hoàng” tại:
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1.
Chương 1: Thời thơ ấu (từ
Hà Nội vào Đà Lạt)
2.
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà
Lạt và Ban Mê Thuột)
3.
Chương 3: Thời thanh niên (Sài
Gòn)
4.
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài
Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng
Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.
Chương 6: Thời điêu linh (Sài
Gòn, Đà Lạt)
7.
Chương 7: Thời mở lòng (những
chuyện tình cảm)
8.
Chương 8: Thời mở cửa (Bước
vào nghề báo, thập niên 80)
9.
Chương 9: Thời hội nhập (Bút
ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp một
Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
Cám ơn chú đã viết một bài viết rất chính xác về người Thượng xưa và cái nhìn rất cặn kẽ về đời sống cá tính của họ ... tình cơ con đi ngang qua và đọc bài viết này của chú rất thú vị cho con thấy được BMT xưa ra sao và người thiểu số của con ra sao ... à con cũng là người Ê Đê hihihi . Rất tiếc là thời thế thay đổi ... sự giáo dục cũng như nhiều thứ ''khác'' đã làm thay đổi ...người Thượng xưa dần mất đi bản chất của mình ...tiếc thay ...nhờ bài viết này con hoài cảm lại được nhiều thứ khác ...Chúc chú mạnh khỏe và có nhiều bài viết hay ..
Trả lờiXóaMến !
H Jien Ayun