Pages

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

“The tooth, the whole tooth, nothing but the tooth”

Bạn thấy câu nói này quen quen?

Đúng vậy. Tại xứ Cờ Hoa, mỗi khi ra tòa để “khai báo” sự thật, tất cả sự thật, không có gì ngoài sự thật… người đứng trước tòa phải tuyên thệ: “The truth, the whole truth, nothing but the truth”.


Nhưng tựa đề của bài viết này đã đổi “truth” thành “tooth”. Cái răng!

 Thủ phạm của mọi sự đau đớn

Việt Nam ta có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Bình thường chẳng ai để ý đến nó và chỉ khi nào nó “làm reo” mới biết tay nó. Lúc đó thì nó làm sưng phồng cả má, nó nhức thấu tận xương, nó tê buốt toàn thân mỗi khi nhai… Nó chính là một trong những cội nguồn của sự đau khổ.

Đau răng

Tôi vẫn còn nhớ, ngày còn bé có học thuộc lòng bài thơ đau răng trong “Quốc văn Giáo khoa thư”:

“Mợ ơi anh Đức đau răng
Một bên má bị sưng bằng quả cam,
Tại vì sau mỗi bữa ăn,
Anh lười không chịu lau mồm, xỉa răng”

Mợ ơi anh Đức đau răng…

Chỉ đến lúc bị đau răng ta mới thấy nha sĩ là "số một" trong số những nhà thông thái trên thế gian này. Nha sĩ cũng đồng thời là “hung thần” trong số những bác sĩ, họ có trong tay những thứ “vũ khí chết người” như kìm, kẹp, máy khoan, máy mài, máy cưa… để hành nghề!

Một khi đã nằm ngả lưng trên ghế của nha sĩ thì từ ông Tổng thống đến kẻ “phó thường dân”, từ bác nhà giầu “nứt đố, đổ vách” đến anh cùng đinh “khố rách áo ôm” cũng đều… “bình đẳng” như nhau trong sự đau buốt đến tận xương tủy.

Đặt lưng lên ghế của nha sĩ, người bệnh trút bỏ hết những chuyện buồn vui ngoài đời và chỉ chú trọng đến “hung thần” trước mặt ra tay cứu khổ. Cũng may chỉ nằm ngửa trên ghế một thời gian ngắn, những khoảnh khắc “đau đến chảy nước mắt” rồi cũng qua đi. Phước cho ai chỉ đến đó một lần và cũng họa cho những người sẽ còn trở lại nhiều lần theo lịch hẹn! 

Nha sĩ và dụng cụ hành nghề

Tôi thuộc nhóm người “bất hạnh”: vừa bị nhổ răng và còn phải làm… răng giả vì đã quá tuổi mọc răng, hơn nữa cái răng hư lại là răng cửa nên thiếu nó trông rất… “mất thẩm mỹ”. Thế là cứ “đến hẹn lại lên” suốt cả tháng trời! 

Trong các thứ “giả” mà con người vốn dĩ chê nhiều hơn khen như “bằng giả” của các quan thời nay vẫn có thứ giả mà ai cũng “thông cảm” với người sử dụng, đó là “chân giả, tay giả” cho những người khuyết tật và “răng giả” cho những kẻ… “hăng rết”.

Riêng đối với phụ nữ, các bà các cô thường “ủng hộ hết mình” những “mặt hàng” như lông mi giả, tóc giả. Ngoài ra, nếu ‘vòng số 1’ hơi khiêm tốn thì có áo nịt ngực bên trong độn mousse cho thêm phần khiêu gợi, ‘vòng số 3’ nhỏ quá thì có mông giả tăng cường để ‘bằng chị, bằng em’ khi ra đường.

Khi tuổi đã xế bóng, các ông các bà có khi phải dùng nguyên cả hai hàm răng giả, tối tối đánh răng mà miệng vẫn huýt sáo một cách yêu đời. Tôi chưa làm được như vậy nhưng rất “thông cảm” với các vị cao niên phải đi nha sĩ  để… “làm đẹp hàm răng”.

Lại nghe nói ở Việt Nam ngày nay lại có một hình thức “làm đẹp cuộc đời”, na ná như kiểu bia “ôm”, cà phê "ôm", karaoke “ôm”… đó là chuyện “nhổ răng… ôm”. Tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm đến những nha sĩ, nha tá chân chính nhưng trên Internet có những bức ảnh đặc biệt về “loại hình” hoạt động này: 

Phòng khám nha khoa… “làm đẹp cuộc đời”

Không biết thi sĩ Nhất Hùng tác giả bài thơ trên có dùng photoshop để có được bức hình “minh họa” đi kèm hay không? Hai câu cuối của bài thơ “Phòng khám nha khoa” có câu:

“Nhưng chẳng dại như anh Lẩm Cẩm
Không “nhổ”, chỉ xin khám qua loa”

Sau khi suc sạo trên Internet tôi đã tìm ra bài thơ “Cái thú chà răng” của thi sĩ mang tên “Lẩm Cẩm” mà Nhất Hùng đã nói đến. Bài thơ như sau:

“Răng già...quá nửa lung lay.
Nay đau...mai nhức, thường ngày lơ "cơm"?
Vàng khè...đầy khói thuốc thơm.
Cho nên chẳng muốn "lơm xơm" khoe tài.

Bạn bè dầu chẳng dám khai.
Cam tâm chịu đựng chẳng ai biết gì.
Cuối tuần đành phải cố đi.
Nha khoa bác sĩ...để thì "clean" răng...!?

Giữ cho đầu... được thăng bằng.
Nha tá lấy ngực...đem dằn hai bên.
Sao mà êm quá...chừng êm!!!
Nhùi, Trợn; mà chộ....cũng thèm rụng râu”.

Như một thám tử chuyên nghiệp, tôi đã “phát hiện” một bức ảnh thứ hai với bài thơ “Thú nhổ răng” của CTN, ghi rõ ngày sáng tác: 20/4/2012. Chắc hẳn CTN muốn nhại bài thơ “Thú đau thương” của Lưu Trọng Lư:

“Tình đã len trong màu nắng mới,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi!
Niềm yêu run động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi.

Đã héo lắm nụ cười trong mộng,
Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu,
Đã lam tím cả cảnh chiều,
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn.

Để chăn gối im nằm chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương,
Giờ đây ta đốt nén hương,
Trên tay ta buộc giải tang cho tình”.  

“Thú đau thương” của Lưu Trọng Lư là vậy, nhưng nhổ răng cũng là một cái thú… “đau thương” nên mới có bài thơ “Thú nhổ răng” của CTN:

“Lọt êm êm giữa bốn gò bồng đảo.
Mắt nhắm nghiền mà nghe bão trong đầu.
Răng bị cà mà ta chẳng thấy đau.
Miệng há hốc cứ tưởng đâu tiên giới.

Tóc dựng đứng, bù xù hay tóc rối.
Hơi thở chừng như hấp hối, chao ôi.
Phòng răng ni đã thu hút ta rồi.
Mai trở lại nhổ thêm vài cái nữa”.                          

Tại sao “mai trở lại nhổ thêm vài cái nữa”? Tại sao lại có tên “nhổ răng… ôm”? Xin hãy xem hình dưới đây để tìm câu trả lời:

Nhổ răng… ôm?

Tôi chắc CTN phải là nhà thơ đã “kinh qua” nhiều kinh nghiệm đau thương về chuyện nhổ răng.  Tôi đoán mò như vậy vì CTN còn một bài thơ “không tên” nữa về răng như sau:

“Ta cảm ơn mấy cái răng chết tiệt.
Nhờ chúng mi ta được biết thiên thai.
Răng miệng thường đi với tóc tai.
Chừ ai biết giúp chơi ni bồng đảo.

Kể ông Trời cũng thật là khéo.
Tạo cái gì cũng hoàn hảo tinh vi.
Răng bị sâu, tưởng chỉ có vất đi.
Vậy mà lại làm sướng tê, sướng tái.

Tạ ơn trời đã ban cho thế giới.
Những cô này nha sĩ giỏi như ri.
Nghệ thuật nhổ răng hết sức thần kỳ.
Đã không đau lại mê ly quá đỗi”

Đúng nghĩa… nhổ răng

Sống ở Mỹ người ta thường khuyên, “cực chẳng đã” mới đi nha sĩ vì ngoài cái đau “thể xác” lại kèm với cái đau…” túi tiền”. Cũng vì thế người Việt tại hải ngoại thường kết hợp về thăm nhà với việc nhổ răng.

Có lẽ thi sĩ John Thụy, chắc là một người Mỹ gốc Việt hãy còn trẻ, lần đầu tiên sử dụng hai chữ “răng ôm” trong một bài thơ tức cảnh bức hình hai nha tá “kềm kẹp” bệnh nhân bằng… “bốn núi đồi”:

“Đời người ta răng luôn cần sửa chữa.
Từ khi bé răng sữa với răng khôn.
Mỗi lần đau sao dạ lại bồn chồn.
Viếng phòng nha đưa hồn vào cõi mộng.

Phòng răng này chẳng có chi là rộng.
Thế mà êm, trong khoảng trống nhỏ nhoi.
Nằm im hưởng bên cạnh bốn núi đồi.
Mọi cái đau liên hồi đi đâu hết.

Cuộc đời nầy rồi sẽ về đoạn kết.
Nhưng "răng ôm" làm chết lịm hồn ta.
Kể từ nay cho đến lúc ta già.
Bao nhiêu răng ta đem ra hiến hết”.

Khổ!!!

Rõ ràng là theo đà tiến hóa của nhân loại nói chung và kỹ thuật nhổ răng nói riêng, Việt Nam đã “tài tình sáng tạo”, kết hợp nha khoa với khoa tâm lý để việc nhổ răng bớt đau đớn hơn. Kỹ thuật đó gọi nôm na là “nhổ răng ôm”.

Để thay lời kết cho bài tản mạn bàn về răng này xin trích dẫn bài thơ “Nhổ Răng kỹ thuật mới” của nhà thơ Đức Lý:  

“Việt Nam ta bây chừ quá tiến,
Chẳng cần chi chế biến thuốc đâu.
Nhổ răng??? Bảo đảm không đau!!!
Thuốc tê? Có vú bốn bầu ép vô.

Cứ cạ sát, mặt mô không khoái?
Nghe đê mê, tê tái cõi lòng,
Hai hàm lần lượt đi đong.
Nhổ rồi, nhổ nữa. Răng trồng? Nhổ luôn!!!”


Thế mới biết, cái răng nhỏ tí nhưng lại có sức mạnh vô biên khiến con người phát điên vì đau đớn. Cũng vì thế người ta mới nói mọi chuyện bắt đầu từ cái răng, nguyên một cái răng và không gì khác ngoài cái răng.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét