Pages

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Bàn về… “Nghề Cai Trị” (4)

Đây là bài viết cuối cùng trong loạt 4 bài bàn về "Nghề Cai Trị":

“Không ai dám hành nghề mà mình chưa học qua, thế mà ai cũng nghĩ mình có đủ khả năng cho một nghề khó nhất trong các nghề: đó là “Nghề Cai Trị” (Socrates)

Ngày 1/11/1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị ám sát trong một cuộc đảo chính của các tướng lãnh. Nền Đệ nhất Cộng hòa, kéo dài từ năm 1955 đến 1963, đã chính thức cáo chung. Ngay sau đó, tình hình chính trị miền Nam đang từ tay các “nhà cai trị” dân sự chuyển sang một giai đoạn được mô tả là “hỗn loạn” dưới quyền điều hành của các tướng lãnh.

 Quân Đội đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963
(Ảnh: Pete Komada)

Hội đồng Quân nhân Cách mạng gồm 20 thành viên được thành lập với tướng Dương Văn Minh [1] giữ chức vụ Chủ tịch; Trần Văn Đôn, Đệ nhất Phó chủ tịch và Tôn Thất Đính, Đệ nhị Phó chủ tịch. Hiến pháp VNCH dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã bị xóa bỏ và Quốc hội vừa mới bầu ngày 27/9/1963 cũng bị giải thể.

Hội đồng Quân nhân còn thành lập Ủy ban Hành pháp để giám sát gồm các tướng Lê Văn Kim (Ủy viên Ngoại giao), Trần Thiện Khiêm (Quân vụ), Đỗ Mậu (Chính trị), Phạm Xuân Chiểu (An ninh), Trần Văn Minh (Kinh tế) cùng một số các quân nhân tham gia, gồm Mai Hữu Xuân, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có và Lê Văn Nghiêm. Bên cạnh đó còn có Hội đồng Nhân sĩ gồm những thành viên dân sự làm cố vấn.

Hội đồng Quân nhân nắm quyền trong một năm, từ 1/11/1963 đến 26/10/1964, với ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng qua sự giám sát chặt chẽ của nhóm tướng lãnh. Trước đó, ông Thơ đã từng là Phó tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm nhưng có ít quyền lực trên thực tế.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ là con một điền chủ giàu có ở miền Nam, bắt đầu khởi nghiệp cai trị trong chính quyền thuộc địa tại Nam Kỳ với chức vụ tỉnh trưởng. Ông Thơ cũng từng là Bộ trưởng Nội vụ của QGVN, khi VNCH được thành lập, ông được cử làm đại sứ tại Nhật Bản.

Trong thời gian làm Tỉnh trưởng Cần Thơ, Nguyễn Ngọc Thơ được giao nhiệm vụ đối phó với giáo phái Hòa Hảo. Ông đã cho mời Ba Cụt, tên thật Lê Quang Vinh, một trong những chỉ huy quân sự của Hòa Hảo về tỉnh để “thương thuyết”. Khi Ba Cụt về, thay vì một cuộc “thương thuyết”, Nguyễn Ngọc Thơ ra lệnh bắt và sau đó giết Ba Cụt.

 Tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng 
Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ

Tình hình trở chính trị trở nên rối ren với cuộc “chỉnh lý nội bộ” vào rạng sáng ngày 30/1/1964 của tướng Nguyễn Khánh [2], ông lên nắm chức chủ tịch Hội đồng Quân nhân, vô hiệu hóa các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính và Mai Hữu Xuân bằng cách đưa họ đi “an trí” tại Đà Lạt.

Tuy nhiên, tướng Nguyễn Khánh vẫn giữ Dương Văn Minh ở cương vị Quốc trưởng còn chức Thủ tướng thì tự ông kiêm nhiệm. Sau đó, một nhân sĩ là Nguyễn Tôn Hoàn thuộc đảng Đại Việt lên làm Thủ tướng và tướng Trần Văn Đôn giữ chức Phó thủ tướng.

Ngày 16/8/1964, Nguyễn Khánh ban hành “Hiến chương Vũng Tàu”, qua đó ông là Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, kiêm Quốc trưởng, kiêm Thủ tướng VNCH. Tướng Nguyễn Khánh còn là Tổng tư lệnh kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH. Uy quyền của ông lên đến mức tột đỉnh qua việc thâu tóm tất cả những chức vụ quan trọng.

Trước áp lực chống đối của dư luận, tướng Khánh phải tuyên bố hủy bỏ “Hiến chương Vũng Tàu” và thành lập Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia theo mô hình “Tam đầu chế” để chia quyền bớt cho các tướng Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm. Tháng 9, vai trò Quốc trưởng được giao cho tướng Dương Văn Minh [3].  

Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia ra hai quyết định phải thực hiện trong thời hạn hai tháng, gồm việc thành lập Thượng hội đồng Quốc gia và triệu tập Quốc hội để soạn hiến pháp mới hầu giao quyền lại cho chính phủ dân sự.

Ngày 26/10, Thượng hội đồng Quốc gia được triệu tập và bầu kỹ sư Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng. Quốc trưởng cũng đã chỉ định ông Trần Văn Hương, đô trưởng Sài Gòn, làm Thủ tướng. Cũng trong tháng này, tướng Khánh cũng được Quốc trưởng phong Đại tướng cùng với tướng Dương Văn Minh [3].

Chính phủ của Thủ tướng Trần Văn Hương dù được hậu thuẫn của nhiều thành phần nhưng lại bị phe Phật giáo chống đối kịch liệt trong khi Thủ tướng lại không chịu nhượng bộ cải tổ nên tình hình trở nên tê liệt. Thượng Hội đồng và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng không giải quyết được bế tắc này nên phe quân đội ra lệnh giải thể Thượng Hội đồng vào ngày 20/12/1964, một lần nữa, quyền hành lại trở về tay Hội đồng Quân lực.

Trước đó, vào tháng 9/1964, hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát đã âm mưu làm một cuộc đảo chánh nhưng bị nhóm tướng trẻ gồm Nguyễn Cao Kỳ, Lê Nguyên Quang, Nguyễn Bảo Trị, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, Nguyễn Thanh Sang và Đặng Văn Quang chống lại.

Nhóm “tướng trẻ” muốn các vị tướng thuộc thế hệ trước về hưu để rộng đường nắm quyền bính. Yêu sách của nhóm tướng này được đệ lên Thượng Hội đồng Quốc gia và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu nhưng không được chấp thuận. Tướng Nguyễn Khánh bèn thành lập Hội đồng Quân lực để làm hậu thuẫn.

Hai ngày sau khi thành lập, Hội đồng Quân lực ra thông cáo giải tán Thượng Hội đồng Quốc gia và bắt giam một số nhân vật. Trước áp lực của phe quân nhân, Thủ tướng Trần Văn Hương phải cải tổ nội các, thu nhận bốn vị tướng là Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Minh, Linh Quang Viên, và Nguyễn Cao Kỳ vào thành phần chính phủ.

Dù vậy, xung khắc giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chính phủ vẫn không giải quyết được. Các thượng tọa Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Thích Hộ Giác đều tuyên bố tuyệt thực và đòi giải tán chính phủ của Thủ tướng Trần Văn Hương. Nhiều Phật tử xuống đường biểu tình và tổ chức tuyệt thực tập thể.

Ngày 24/1/1965 Hội đồng Quân lực bãi nhiệm Thủ tướng Trần Văn Hương và đem giam lỏng ông ở Vũng Tàu. Biến cố này đã chấm dứt sự cầm quyền của chính phủ dân sự và đưa phe quân nhân vào cương vị điều hành đất nước trở lại.

Tuy vậy, tình hình vẫn còn nhiều căng thẳng vì ngày 20/2/1965, Đại tá Phạm Ngọc Thảo lại chủ mưu đảo chánh, đòi truất quyền tướng Nguyễn Khánh. Âm mưu này bất thành nhưng phe quân nhân, qua dàn xếp nội bộ, ép tướng Khánh lưu vong và ủy quyền cho Thủ tướng Phan Huy Quát lập chính phủ dân sự.

 Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara (trái), Thủ tướng Nguyễn Khánh 
và Tham mưu trưởng Maxwell D. Taylor (Tháng 3/1964)

Hai nhân vật chính dần xuất hiện trong Hội đồng Quân lực là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu [4] và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ [5]. Hai vị tướng này chia quyền, nắm hai địa vị chủ chốt: Nguyễn Văn Thiệu là chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia còn Nguyễn Cao Kỳ là chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương từ tháng 6/1965 đến tháng 9/1967.

Cuộc Tổng Tuyển cử năm 1967 dẫn đến nền Đệ nhị Cộng hòa kéo dài từ năm 1967 đến 1975 chính thức kết thúc thời kỳ “quân quản”. Đệ nhị Cộng hòa là chính thể dân sự, thành lập trên cơ sở của bản Hiến pháp tháng 4/1967 và cuộc bầu cử tháng 9/1967.

Ngày 1/11/1967 được xem là ngày chính thức thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa và thể chế này chấm dứt khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội đầu hàng vào ngày 30/4/1975.

 “Hội đồng Quân lực” tại lễ Quốc khánh 1/11/1966

Chính phủ Đệ nhị Cộng hòa thiết lập bang giao với 86 quốc gia trên thế giới qua danh hiệu “chính quyền pháp lý của miền Nam” và thêm 6 quốc gia khác nhìn nhận VNCH là “chính quyền hiện hữu” (de facto). Tuy nhiên, nếu quốc gia nào công nhận chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam thì quan hệ bị VNCH cắt đứt, chẳng hạn như trường hợp Indonesia vào năm 1964.

Nền Đệ nhị Cộng hòa ngoài việc phải đối đầu quân sự với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và VNDCCH từ miền Bắc còn phải giải quyết việc định cư dân tỵ nạn Cộng sản vì tình hình an ninh tại các địa phương hẻo lánh.

Thống kê tiết lộ, chỉ riêng vào năm 1972, có đến 758.000 dân phải bỏ nhà cửa chạy từ những vùng do VC quấy nhiễu để về định cư tại các tỉnh và thành phố do VNCH kiểm soát. Bản đồ hành chánh của VNCH ngày càng teo tóp trong khi dân số ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn đã trở thành một gánh nặng đối với các “nhà cai trị” miền Nam.

Chính phủ còn đề ra công cuộc cải cách điền địa với chương trình Người cày có ruộng, được Quốc hội thông qua vào đầu năm 1970. Trong thời gian 4 năm, 750.000 hộ nông dân (khoảng 5 triệu dân) được cấp phát hơn một triệu hecta đất. Đó cũng là nét nổi bật trong thời Đệ nhị Cộng Hòa bên cạnh những mảng tối của chính trị và quân sự.

Năm 1967, chính quyền Đệ nhị Cộng hòa đã cho xây dựng tượng đài Thủy quân lục chiến, cao 9 mét, trong tư thế xung phong hướng vào trụ sở Hạ viện. Dư luận đương thời cho đó là một điềm gở khi quân đội "chĩa súng" vào Quốc hội.

Dù là một cách nói châm biếm nhưng quả thật thời gian “quân quản” và cả thời Đệ nhị Cộng hòa quyền bính hoàn toàn nằm trong tay các tướng lĩnh với sự tài trợ từ Hoa Kỳ và sự góp mặt của “quân đội đồng minh” thuộc khối Tự Do đến từ các nước Hoa Kỳ, Úc, New Zeland, Nam Triều Tiên, Philippines và Thái Lan. Đài Loan cũng từng gửi 31 chuyên gia đến Việt Nam và Canada cũng đóng quân ở Việt Nam nhưng lại trung lập và nhằm mục đích gìn giữ hòa bình.

Tượng Thủy quân Lục chiến “chĩa súng” vào Quốc hội
(Ảnh: Quentin Jones, 1969)

Các “nhà cai trị” thời kỳ này vốn xuất thân từ quân đội nên đã thể hiện sự lúng túng, vụng về trong việc điều hành quốc gia nói chung và xử lý các biến cố nói riêng. Chính Tổng thống Ngô Đình Diệm trước đó đã coi thường các tướng lãnh, coi họ như “hữu dõng vô mưu”, chỉ giỏi trong binh nghiệp nhưng bước sang hoạt động chính trị thì họ hoàn toàn không có đủ bản lĩnh để bước vào “nghề cai trị”. 

Tướng Nguyễn Khánh là một thí dụ điển hình. Ông tướng có “hàm râu dê” này vào thời kỳ uy quyền lên đến mức tột đỉnh đã từng tuyên bố “Quân đội là cha quốc gia!” khiến uy tín của ông càng lúc càng xuống thấp và ngày càng mất lòng dân.

Tướng Khánh đã vấp sự phản đối quyết liệt của các đảng phái, các cuộc biểu tình chống tướng Khánh nổ ra khắp nơi. Ngày 25/8/1964, hàng chục ngàn người kéo đến nơi tướng Khánh làm việc, họ hô “Đả đảo Nguyễn Khánh!”. Tướng Khánh buộc phải ra gặp đoàn biểu tình và cũng hô… “đả đảo” chính mình(!).

Tướng Nguyễn Khánh trên bìa báo Time ngày 7/8/1964

Tướng “râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ là một thí dụ khác về tính cách của một vị tướng khi nhảy vào chính trường. Điểm yếu của ông Kỳ là thường có những phát biểu bốc đồng, thiếu suy nghĩ, một đức tính cần tránh của một chính khách.  

Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội VNCH, trong môt bài phỏng vấn lúc cuối đời, đã phê phán tướng Nguyễn Cao Kỳ là “khoác lác”“nhận về mình công trạng của người khác” trong việc chính phủ VNCH áp dụng những biện pháp cứng rắn để đàn áp sự chống đối của Phật tử ở Huế vào năm 1968.

Chỉ một tuần trước ngày Sài Gòn thất thủ, ông Kỳ đã có một tuyên bố hùng hồn trước một đám đông đang hoang mang vì tình hình ngày càng bi đát của VNCH: “tử thủ Sài Gòn cho đến giọt máu cuối cùng”… rằng ông chỉ thích “ăn cơm nước mắm” và rằng ông luôn nhớ “cà pháo… mắm tôm…”.

Hôm đó là ngày 21/4/1975, nhưng chỉ tuần sau, ngày 29/4/1975, ông đã tự lái trực thăng cùng tướng Ngô Quang Trưởng ra chiến hạm Midway thuộc Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ. Trong khi đó gia đình ông đã di tản trước đó.   

Có thể nói, tướng Nguyễn Cao Kỳ là một nhân vật khá đặc biệt nhưng lại nhiều may mắn khi thời cơ được trao đến tay ông từ người Mỹ. Ông có tính khí “bốc đồng”, phát biểu về nhiều vấn đề theo cảm tính, hành động theo kiểu “anh hùng Lương Sơn Bạc”. Người thích thì nói ông là người “trực tính”, kẻ ghét lại bảo ông là “ngựa non háu đá”.

Một số người lại nhận xét tướng Nguyễn Cao Kỳ là “con người của thời thế” giữa lúc các tướng lãnh tranh dành quyền lực. Nhưng ông dứt khoát không thể nào là “nhà cai trị” thành công khi trình độ chính trị còn non nớt, ấu trĩ… thiếu hẳn tư cách cần có để trở thành một lãnh tụ.

Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Phó tổng thống Hubert Humphrey
(Ảnh Corbis, chụp ngày 10/2/1966)

Nếu so sánh các tướng Nguyễn Khánh và Nguyễn Cao Kỳ với tướng Nguyễn Văn Thiệu người ta thấy ông Thiệu có phần nổi bật hơn, cả về tư cách lẫn bản lãnh chính trị. Ông đã có những câu nói để đời, nổi bật nhất là nhận xét mà ngày nay nhiều người còn nhắc đến: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm!” và một câu thể hiện quan điểm về tổ quốc: “Đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả”.

Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng chỉ là một quân cờ trên bàn cờ thế giới, hay cụ thể hơn, một con chốt trên bàn cờ giữa hai phe Tư bản và Cộng sản.

Ông Thiệu nhìn rõ điều đó qua một câu nói rất chân tình: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!”… để rồi đến những ngày cuối cùng của VNCH ông đã phải nhìn nhận: “Họ [Hoa Kỳ] đã đâm sau lưng chúng tôi”.

Xét cho cùng, cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam không ai là “kẻ thắng cuộc” mà việc thắng-bại lại thuộc về các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Cộng trong một cuộc chiến mà chiến trường được chọn là Việt Nam.

 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đặt bia lưu niệm vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam với sự chứng kiến của Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker và Tướng Frederick Weyand, Chỉ huy trưởng Lực lượng Quân đội Mỹ tại VN

Các “nhà cai trị” trong thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa thật ra chỉ là những “tay mơ”, họ bỏ súng ống để nhảy vào làm chính trị khi thời cơ đến. Có người ví chính khách giỏi là một con thú có thể ngồi trên hàng rào nhưng đôi tai lại đặt trên mặt đất. Dựa trên lập luận này, các lãnh tụ một thời đã mặc áo treilli hoàn toàn không phải là những “nhà cai trị” giỏi.

Ở Phương Đông, Hàn Phi [6], một nhà lý luận chính trị sống ở thế kỷ 3 trước Công nguyên tại Trung hoa cũng đã từng nhận xét về thuật trị quốc của người xưa, và những điều ông nói vẫn còn đúng với thời nay:

“Trông cậy dân làm điều tốt thì trong nước không quá mười người, nhưng khiến dân đừng làm bậy thì cả một nước được ổn định. Bậc cai trị dùng số đông, không dùng số ít, cho nên không trọng Đức mà trọng Pháp”.

Hàn Phi cho rằng vua không nhất thiết phải tài cao đức trọng, không cần làm gương cho cả nước soi chung. Để cai trị thì vua cần có “thế” tức uy quyền để áp đặt và có “pháp” để chỉ cho dân điều nên làm và không nên làm. Hàn Phi còn giải thích:

“Vua cũng chẳng cần phải làm, thay vào đó vua cần nắm vững thuật trị nước để thông qua nó xây dựng và vận hành bộ máy chính quyền”.

Đó chính là “vô vi nhi vô bất vi”, được hiểu theo nghĩa Vua không làm gì nhưng chẳng cái gì không được làm. “Vô vi” là cách để vua dùng trong việc cai trị thiên hạ còn “hữu vi” là để bầy tôi được vua dùng vào mục đích đó.

Hàn Phi (280-233 TCN)

Ở Phương Tây, Niccolo Machiavelli [7], một trong những người sáng lập khoa chính trị học từ thế kỷ thứ 16 tại Ý vào thời Phục Hưng đã từng phân tích vai trò của những “nhà cai trị” một cách mỉa mai nhưng lại hoàn toàn đúng với mọi thời đại trong tác phẩm The Prince (Quân Vương hay Hoàng Tử):

“Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì lại không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy, và là sư tử để dọa sói…”

Trong Quân Vương, Machiavelli đề ra sách lược chính trị để bình định nước Ý lúc bấy giờ đang trong thời kỳ nội chiến. Quân Vương đã trở nên bất hủ và trở thành một tác phẩm kinh điển về triết học chính trị hay cụ thể hơn là về thuật cai trị.

Machiavelli gắn liền với một châm ngôn thực dụng: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, cũng vì thế, các lối hành xử gắn liền với thủ đoạn hèn hạ, đê tiện để đạt được mục đích.

Cái tên Machiavelli của ông đã đi vào từ ngữ phương Tây, cụ thể là trong tiếng Anh, chỉ sự nham hiểm. Theo Oxford English Dictionary năm 1626, “Machiavellianism” được hiểu là thủ đoạn xảo quyệt, "Machiavellian" được dùng như một tĩnh từ: quỷ quyệt, xảo quyệt, nham hiểm; dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích.

Bản thân Machiavelli từ một trí thức cố gắng xây dựng một học thuyết thực dụng để giúp các đấng quân vương trị quốc, ông đã đặt mình vào vị thế trung thực của một trí thức dấn thân khi nói về sự “không trung thực trong chính trị”.

Những “nhà cai trị” thời nay, dù không phải là các bậc Quân vương của thời Machiavelli, nhưng vẫn có thể rút ra bài học từ cuốn sách The Prince khi tác giả đưa ra những nhận xét qua 26 chủ đề được nói đến trong tác phẩm. Trong chủ đề “Phương thức cai trị những vương quốc đã từng có chủ quyền”, Machiavelli viết:

“Cai trị một thành phố đã từng có tự do mà không áp dụng nguyên tắc đó thì rất dễ bị chính thành phố này lật đổ. Trong những thành phố như vậy, luôn có nơi trú ẩn cho tinh thần tự do và những thể chế truyền thống, những điều chưa từng bị lãng quên cho dù bởi thời gian hay lợi lộc… Ký ức về thời kỳ tự do trước đây khiến họ không thể bị khuất phục.”

Đối với “những vương quốc bị chinh phục bằng vũ lực”, Machiavelli đưa ra nhận xét: “Thuyết phục thì dễ nhưng duy trì niềm tin mới là điều khó. Bởi vậy, cần phải đảm bảo rằng khi người ta không còn tin nữa thì phải dùng vũ lực buộc người ta phải tin”. Phải chăng đó là bài học cai trị vẫn còn có thể áp dụng vào chính trị ngày nay.

Muốn chiến thắng trong việc cai trị, Machiavelli cho rằng bậc quân vương phải “biết tự bảo vệ trước kẻ thù; tăng thêm đồng minh; chinh phạt bằng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn khiến dân chúng chịu khuất phục và sợ uy quyền”. Những nguyên tắc này cho đến ngày nay các “nhà cai trị” vẫn còn áp dụng.

Từ những nhân vật lịch sử cụ thể, Machiavelli khẳng định quan điểm của mình về một đấng quân vương:

“Không thể gọi là tài trí khi tàn sát đồng bào của mình, phản bội bạn bè, phản trắc, không biết xót thương và vô thần. Bằng những phương cách này, người ta có thể đạt được quyền lực chứ không thể có vinh quang.”

Niccolo Machiavelli (1469-1527)

Những bài học về “nghề cai trị” của Hàn Phi, Machiavelli và nhiều nhà chính trị cả Đông lẫn Tây vẫn còn có giá trị trong trong thuật cai trị của thế giới ngày nay. Điều quan trọng là những người làm chính trị có quan tâm đến những kinh nghiệm của những người đi trước hay không. 

***
Chú thích:
(Nguồn: Wikilpedia)

[1] Dương Văn Minh (1916–2001), còn gọi là “Minh Cồ” hay “Big Minh”, là Tổng thống cuối cùng của VNCH. Dù làm Tổng thống trong thời gian quá ngắn ngủi, vỏn vẹn 3 ngày (từ ngày 28 đến 30/4/1975), nhưng ông được xem là có công chính cho Sài Gòn khỏi bị tàn phá bằng cách kêu gọi binh sĩ của Quân lực VNCH ngừng bắn và “đầu hàng vô điều kiện” vào ngày 30/4/1975.

Khi Nhật đảo chính Pháp, ông Minh đang phục vụ tại Vũng Tàu và bị Nhật cầm tù năm 1945. Khi Pháp trở lại, ông bị Tây bắt cùng với ông Nguyễn Ngọc Thơ. Hai cái răng cửa của ông bị Tây đánh gãy và nhiều năm sau này ông vẫn không trồng răng giả để giữ kỷ niệm về trận đòn của cảnh sát Pháp. Vì vậy trong quân đội còn gọi ông là “Minh Sún”. Năm 1964, ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng Đại tướng, nhưng ông không nhận.

Theo Lữ Giang trong “Tướng Lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” (http://daubinhlua.blogspot.com/2012/05/dai-tuong-duong-van-minh.html):

“… Trong các tướng lãnh tham gia chính trường tại miền Nam Việt Nam, có lẽ tướng có thân phận bi thảm nhất là Tướng Dương Văn Minh. Biết Dương Văn Minh không hiểu biết gì về chính và thủ đoạn chính trị, thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, lại mắc bệnh tham lam, nên Hoa Kỳ đã biến ông thành một một công cụ đầy oan nghiệt để thực hiện chính sách của Hoa Kỳ trong từng giai đoạn rồi loại bỏ. Có thể coi cuộc đời và vai trò của Tướng Dương Văn Minh như là một chương bi thảm trong lịch sử VNCH và cũng là một chương bi thảm trong tương quan giữa VNCH và Hoa Kỳ”.

Dương Minh Đức, con trai của Dương Văn Minh, nói về cha mình: “Ông là người không thích làm chính trị, mục tiêu suốt đời của ông là hòa giải, hòa bình dân tộc, nước Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, vì vậy ngừng chiến là phương cách tốt nhất, bất cứ chính quyền phía nào nắm quyền cũng được, cũng là điều tốt nếu chính quyền đó biết lo cho dân… Ông cho rằng: nếu một chiến thắng mà phải đánh đổi bằng hàng triệu sinh mạng đồng bào thì đó không phải là một chiến thắng…”

Ngày 8/8/1983, Dương Văn Minh, được chính quyền Hà Nội cho phép di cư sang Pháp và sống với hai người con trai. Khoảng năm 1988, ông âm thầm qua Pasadena, Nam California, Hoa Kỳ, và sống với con gái là Dương Mai đang định cư ở đó.

Ngày 5/8/2001, ông bị té từ xe lăn, được đưa vào bệnh viện Huntington Memorial Hospital và qua đời ngày hôm sau, hưởng thọ 86 tuổi. Linh cữu ông cũng được phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Sau đó, ông được hoả thiêu ngày 18/8/2001 tại vãng sanh đường Skyrose thuộc nghĩa trang Rose Hill, Nam California.

[2] Nguyễn Khánh (1927–2013) đã từng giữ chức Quốc trưởng và Thủ tướng của VNCH, ông cũng là Đại tướng, Tổng tư lệnh và Tổng tham mưu trưởng trong giai đoạn 1964-1965.

Tướng Nguyễn Khánh ra đời tại Trà Vinh, thời trẻ có tham gia Việt Minh rồi lại học Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Sau đó, ông sang Pháp tu nghiệp ở Trường quân sự Saint Saumur. Thời gian này, ông lấy tên là Raymond Khánh hoặc Nicolas Turner Khánh.

Khi cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 nổ ra, tướng Khánh đã án binh bất động, không tỏ rõ thái độ. Khi đảo chính thành công, ông tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng và ông được thăng cấp Trung tướng. Ngày 30/1/1964, được sự ủng hộ của Mỹ và "nhóm các tướng trẻ", tướng Khánh đã thực hiện cuộc "chỉnh lý" cướp quyền, truất phế các tướng lĩnh chủ chốt của cuộc đảo chính.

Nhóm các tướng trẻ thống nhất việc truất phế tướng Khánh và ngày 25/2/1965, tướng Nguyễn Khánh phải nhận chức đại sứ lưu động ở nước ngoài. Trước khi đi, ông còn nắm theo một miếng đất và tuyên bố: “Tôi có mang theo nắm đất quê hương, một ngày nào đó nhất định sẽ trở về”.

Tuy nhiên, lời tuyên bố này không thể thực hiện được. Nguyễn Khánh qua đời tại bệnh viện Kaiser ở San Jose, California, Hoa Kỳ, ngày 11/1/2013.

[3] Trong lịch sử 20 năm của Quân lực VNCH, có 162 người được phong cấp tướng, trong đó có 1 thống tướng (truy phong), 5 đại tướng. Ngoài ra còn có 44 Trung tướng, 44 Thiếu tướng, 68 Chuẩn tướng. Rất nhiều tướng lĩnh (chiếm 1/3) được phong hàm tướng trong giai đoạn 1963-1965, thời kỳ mà dân chúng gọi mỉa mai là “loạn tướng”.

·         Thống tướng Lê Văn Tỵ (truy phong năm 1964)
·         Đại tướng Trần Thiện Khiêm (phong năm 1964)
·         Đại tướng Dương Văn Minh (phong năm 1964)
·         Đại tướng Nguyễn Khánh (phong năm 1964)
·         Đại tướng Cao Văn Viên (phong năm 1967)
·         Đại tướng Đỗ Cao Trí (truy phong năm 1971)

[4] Nguyễn Văn Thiệu (1923–2001) là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia VNCH thời kỳ 1965-1967 và Tổng thống VNCH thời kỳ 1967-1975. Năm 1963, ông tham gia lực lượng đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đảo chính, ông được phong Thiếu tướng.

Khi tướng Nguyễn Khánh thực hiện "chỉnh lý", nắm quyền lãnh đạo chính quyền, tướng Nguyễn Văn Thiệu được cử giữ chức Tham mưu trưởng, sau đó là chức Tổng trưởng Quốc phòng. Năm 1965, ông được thăng Trung tướng. Cũng năm này, chính phủ của Thủ tướng Phan Huy Quát đã giải tán và trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Hội đồng Quân lực.

Hội đồng tướng lĩnh đã bầu ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương. Ông trở thành Quốc trưởng và tướng Kỳ trở thành Thủ tướng của chính phủ mới. Ông Nguyễn Văn Thiệu giữ vai trò Tổng thống của nền Đệ nhị Cộng Hòa từ năm 1967 đến 1975.

Ngày 25/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam với tư cách là đặc sứ của VNCH đến Đài Bắc để phúng điếu tướng Tưởng Giới Thạch của Đài Loan. Sau đó, ông đến Anh định cư. Đầu những năm 1990, ông Thiệu chuyển sang định cư tại Foxborough, Massachusetts, Mỹ và sống một cuộc sống thầm lặng trong quãng đời còn lại ở đây.

Ông Nguyễn Văn Thiệu qua đời ngày 29/9/2001 tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, sau khi bị đột quỵ tại nhà ở vùng Foxborough, thọ 78 tuổi.

[5] Nguyễn Cao Kỳ (1930–2011) đã từng là Thủ tướng (1965-1967) và Phó Tổng thống (1967-1971) VNCH; từng là đồng minh rồi đối thủ của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; từng được coi là người có tư tưởng chống Cộng trong thời kỳ trước 1975 rồi sau đó, kể từ năm 2004, lại được Nhà nước Việt Nam coi là biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải dân tộc.

Nguyễn Cao Kỳ là người nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều phía. Theo lời tự thuật của ông với báo chí trong những lần trở về Việt Nam, ông kiếm sống bằng cách đi làm thuê trong hơn 10 năm đầu sống trên đất Mỹ. Sau khi định cư tại Mỹ, ông Kỳ vẫn ưu tư về hiểm họa Trung Quốc. Hễ khi nào các trường Đại học Hoa Kỳ mời nói chuyện, ông Kỳ đều vận động, thuyết phục Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, vì ông tin rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh để ngăn giấc mộng bành trướng từ Phương Bắc. Các nước nhỏ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc nếu không có sự bảo trợ của Mỹ thì cũng đã bị Trung Quốc khống chế.

Ông Nguyễn Cao Kỳ từ năm 2004-2008, sau khi sống tại Hoa Kỳ, đã về Việt Nam bốn lần. Ông có tư tưởng muốn hàn gắn quan hệ giữa tầng lớp Việt Kiều ngoài nước và chính quyền trong nước, đồng thời xây dựng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton TP Hồ Chí Minh vào chiều 15/1/2004, ông Kỳ tuyên bố: "Tôi cũng muốn nói thêm rằng những người mà giờ phút này, sau 30 năm khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người VN trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để VN trở thành một con rồng châu Á."

Những câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Cao Kỳ:

·         “Việt Cộng gọi chúng tôi là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ. Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ, chứ không phải là lãnh tụ chân chính của nhân dân Việt Nam”
·         “Hãy coi rằng ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc giỗ của Việt Nam Cộng Hoà”.

Ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời ngày 23/7/2011 tại một bệnh viện ở Malaysia, hưởng thọ 80 tuổi. Thi hài của ông được hoả táng, sau đó tro cốt được đưa về Mỹ.

Đọc thêm về Nguyễn Cao Kỳ qua bài viết “Chuyện xung quanh ông Nguyễn Cao Kỳ” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/chuyen-xung-quanh-ong-nguyen-cao-ky.html

[6] Hàn Phi (280-233 TCN) sống cuối đời Chiến Quốc, trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng đang thống nhất Trung Hoa. Ông thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn, thích cái học "hình danh." Gốc của học thuyết này là ở Hoàng Đế, Lão Tử. Hàn Phi có tật nói ngọng, không biện luận khá nhưng giỏi về mặt viết sách.

Tư tưởng chủ yếu của Hàn Phi là thuyết Pháp Trị. Không phải ông là người đầu tiên nêu lên học thuyết này mà trước đó Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đã khởi xướng. Tư tưởng của Hàn Phi Tử đối nghịch lại với tư tưởng của Nho giáo (vốn cho rằng để quản lý xã hội thì dùng Nhân trị và Đức trị), ông cho rằng cách tốt nhất để quản lý xã hội là dùng pháp luật:

"Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu".

Ông chủ trương cho dân chúng tự do cạnh tranh trong phạm vi kinh tế để nước được mau giàu. Và ông tin rằng theo chính sách độc tài về chính trị, tự do về kinh tế, thì nhà vua chẳng cần làm gì, cứ ngồi ở trên để kiểm soát kẻ dưới. Chủ trương "vô vi nhi trị" đó thực trái hẳn chủ trương của Lão Tử, Trang Tử; chính ra nó là một thứ cực hữu vi.

Phi cho rằng bọn nhà Nho dùng lời văn làm rối loạn luật pháp, bọn du hiệp dùng võ lực phạm đến điều ngăn cấm, gặp lúc yên ổn thì nhà vua dùng bọn ham danh, gặp lúc nguy cấp thì lại dùng kẻ sĩ mang giáp trụ. Như thế, thành ra ngày nay người nhà vua nuôi lại không phải là những người nhà vua cần dùng, những người nhà vua cần dùng đều lại không phải những người nhà vua nuôi.

[7] Niccolò Machiavelli (1469-1527): sinh ra tại thành phố Firenze, Ý. Người ta biết rất ít về thời còn trẻ của Machiavelli nhưng một điều chắc chắn là ông đã được thừa hưởng nền giáo dục về văn hóa, lịch sử Hy Lạp và La Mã.

Machiavelli được coi là nhà lý luận đầu tiên của nền chuyên chính tư sản. Ông có đầu óc phê bình mạnh bạo, tư tưởng duy lý phi tôn giáo, lòng căm ghét bọn quý tộc ăn bám, khát vọng muốn xây dựng nước Ý thành một quốc gia thống nhất, tự do, bình đẳng với một chính quyền mạnh, sử dụng bạo lực để xây dựng trật tự mới.

Tư tưởng của ông thể hiện trong các tác phẩm văn học, trong các bài chuyên luận chính trị và hành động của Machiavelli được gọi là “Học thuyết Machiavelli” (còn gọi là chủ nghĩa Machiavelli). Friedrich Engels đã nói: “Machiavelli là một trong những người khổng lồ của thời đại Phục hưng…”

Những câu nói nổi tiếng của Machiavelli:

·         "Nhà vua vừa là chồn cáo, vừa là sư tử."
·         "Con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính đúng đắn của biện pháp."

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)  
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương: 

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)

1 nhận xét:

  1. Chợt nhớ lại chuyện xưa: Cuối năm 1974, tôi và một số bạn giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội được biệt phái về Tổng cục Quân huấn của tướng Phan Trọng Chinh để thành lập Ban Tu thư & Dịch thuật. Một trong những tác phẩm mà chúng tôi phải dịch là “The Prince” của Niccolo Machiavelli. Điều này chứng tỏ quân đội VNCH cũng rất quan tâm đến “Thuật trị quốc” nhưng không biết các vị tướng có đọc không.

    Trả lờiXóa