Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Cuộc chiến Việt Nam nhìn từ truyền thông nước ngoài

Cuộc chiến tranh tại Việt Nam ngoài những tổn thất nặng nề về sinh mạng cho cả 3 phe - Miền Bắc, Miền Nam và Hoa Kỳ - cũng là một cuộc chiến tốn nhiều giấy mực nhất với một lực lượng phóng viên chiến trường hùng hậu từ khắp nơi trên thế giới đổ về để theo dõi và đưa tin đến hàng triệu độc giả đọc báo hoặc xem truyền hình.

Tại Sài Gòn thời chiến, ngoài những phóng viên được các hãng thông tấn và các tờ báo nổi tiếng tại Mỹ gửi đến còn có sự xuất hiện của các phóng viên từ Pháp, Đức, Anh, Canada, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Argentina, Brazil và Nhật Bản. Họ là những phóng viên thuộc “quốc-tịch-thứ-ba”, một cụm từ ám chỉ các nhà báo không phải là người Việt hoặc người Mỹ.
  
Huy hiệu phóng viên chiến trường
    
Trong cái thế giới báo chí quốc tế phức tạp đó cũng có 3 hướng đưa tin chính: (1) ủng hộ cuộc chiến hay còn gọi là “diều hâu”; (2) phản chiến hay “bồ câu” và (3) trung lập.

Điển hình cho trường phái “bồ câu” là phóng viên dày dạn kinh nghiệm Homer Bigart [1] của tờ New York Times. Bigart đã đoạt giải thưởng Pulitzer về báo chí trong thời chiến tranh Triều Tiên trước khi sang nhận nhiệm sở tại Sài Gòn.

Ông đến Việt Nam năm 1962 và chỉ ở đây đúng 6 tháng trước khi bị Tổng thống Ngô Đình Diệm trục xuất vì lý do đã “phê phán chính sách gia đình trị” của Tổng thống Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân. Đó cũng là thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa bị giới truyền thông quốc tế cáo buộc là đã đàn áp Phật giáo.

Một năm sau khi Bigart bị trục xuất khỏi Việt Nam, Tổng thống Diệm cùng bào đệ bị ám sát và nền Đệ nhất Cộng hòa cũng cáo chung. Bigart viết trong hồi ký sau khi nhận thức rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm của nước Mỹ: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá khờ khạo gửi quân sang đấy sau khi đã trải qua kinh nghiệm tại Triều Tiên…” 

Homer Bigart (1962)

Ngoài số ít phóng viên lớn tuổi như Homer Bigart, lực lượng phóng viên nước ngoài tại Việt Nam thời chiến tranh đa số hãy còn trẻ, tuối đời chỉ độ 27 hay 28. Thế nhưng trong số họ đã dành được nhiều Giải thưởng Pulitzer về báo chí với Horst Faas (2 lần đoạt giải), Malcolm Browne, Peter Arnett, Neil Sheehan và David Halberstam.

Theo David Halberstam [2], người thay thế Homer Bigard khi ông này bị trục xuất khỏi Việt Nam, những phóng viên trẻ khi đến chiến trường Việt Nam luôn mang trong tim một tinh thần yêu nước (Mỹ) cộng thêm lòng yêu nghề (báo). Tuy nhiên, sự thật phũ phàng của chiến tranh lại phơi bầy những mâu thuẫn và xung đột khi họ tiếp xúc với thực tế.

Thái độ của đa số các phóng viên khiến giới chức quân sự, cả Việt lẫn Mỹ, có cảm giác như những người trẻ này đều có khuynh hướng “bồ câu”, hay nói một cách khác, họ “phản chiến”. Thậm chí một quan chức Mỹ còn nói thẳng thừng: “Mấy gã nhà báo chỉ mong cho Mỹ cũng như Miền Nam thua trận”.   

Sự hy sinh của các phóng viên trên chiến trường là một thực tế không thể phủ nhận. Họ thường trực tiếp dấn thân vào lửa đạn để gửi về Mỹ những bài báo nóng hổi và  sống động vì họ không tin vào các buổi thuyết trình của giới chức quân sự tại hậu phương.

Mà súng đạn vô tình đâu có phân biệt người cầm súng hay cầm bút, súng đạn cũng chẳng phân biệt giới tính nên cũng đã có nữ phóng viên chiến trường bỏ mình tại Việt Nam.

Một trong những nguyên tắc của nghề báo là không thể nào ngồi viết chuyện chiến trường trên bàn giấy tựa như người viết tiểu thuyết. Thế cho nên, đã là phóng viên chiến trường thì phải chấp nhận “sinh nghề tử nghiệp”.

Từ trái sang phải: David Halberstam (New York Times), Malcolm Browne (Associated Press) và Neil Sheehan (UPI)

Có một nghịch lý trong cuộc chiến vừa qua: phóng viên chiến trường đôi khi lại trở thành “kẻ thù” của quân đội, dù cùng chung tổ quốc. David Halberstam kể lại:

“Vào mùa thu năm 1963 có một trận đánh lớn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cánh phóng viên không được tháp tùng. Tôi và Neil Sheehan điện thoại cho Tướng Paul Harkins, Chỉ huy trưởng Lực lượng Quân đội Mỹ tại Việt Nam, rồi lại liên lạc với Đại sứ Henry Cabot Lodge để tìm cách tiếp cận chiến trường.  

Ngay hôm đó có buổi báo cáo tình hình chiến sự tại Tổng hành dinh MACV [Military Assistance Command, Vietnam] nhưng người thuyết trình không phải là sĩ quan cấp tá như thường lệ mà là ông tướng hai sao Dick Stillwell. Tướng Stillwell tuyên bố: “Trước khi vào buổi thuyết trình tôi có vài lời với một số phóng viên trẻ đã quấy rầy tướng Harkins và Đại sứ Lodge. Các bạn trẻ không nên lặp lại điều đó nữa, ông Đại sứ và tướng Harkins là những người bận rộn, họ không rảnh để tiếp chuyện các bạn. Các bạn cứ tiếp nhận thông tin mà chúng tôi cung cấp…”  

Tim tôi đập thình thịch khi đứng lên nói: “Xin lỗi Ngài, chúng tôi không phải là lính của Ngài. Chúng tôi là những phóng viên do New York Times, United Press, Associated Press và Time phái đến đây. Ngày hôm nay có một số phi công và xạ thủ trực thăng ra trận, tính mạng của họ và hằng triệu đô la phương tiện chiến tranh được đem ra thử thách. Người dân Mỹ có quyền được biết đến trận chiến này. Nếu Ngài thấy chúng tôi xông xáo quá mức xin cứ viết thư báo cho tòa soạn của chúng tôi và chắc chắn họ sẽ có người thay thế…”    

Đại sứ Henry Cabot Lodge và phu nhân tại Sài Gòn (1963)

Một trong những phóng viên có thời gian gắn bó với cuộc chiến tranh Việt Nam lâu nhất, phục vụ cho nhiều tờ báo và hãng thông tấn nhất là Malcolm Browne. Bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng [3] đã mang lại cho Browne giải thưởng Pulitzer cao quý của ngành báo chí Hoa Kỳ năm 1963.  

Bài báo cuối cùng của Browne về chiến tranh Việt Nam mang tựa đề “Đằm thắm, Thù hận và Đau buồn đánh dấu những ngày cuối cùng của Sài Gòn” (Tenderness, Hatred and Grief Mark Saigon's Last Days) được đăng tải trên tờ New York Times ngày 6/5/1975, đúng một tuần sau khi Sài Gòn thất thủ. Bài báo được viết trên tàu di tản USS Mobile thuộc Đệ thất Hạm đội ngày 3/5/1975 với những lời mở đầu như sau:

“Tựa như một cuộc hôn nhân đổ vỡ, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã chấm dứt trong thù hận và nghi ngờ giữa những kỷ niệm vẫn còn phảng phất đâu đây sự đằm thắm và cảm thông từ cả hai phía”

Dưới mắt Browne, ngày cuối cùng của Sài Gòn diễn ra một cách “cay đắng” đối với những người Mỹ còn sót lại như ông giữa một thành phố “hỗn mang”, “hấp hối”… Tác giả đã dùng chữ “big nose” để ám chỉ những người nước ngoài theo cách gọi “mũi lõ, tóc quăn” của người Việt…

“Big nose” là những người Mỹ đang làm việc tại Sài Gòn dưới màu áo dân sự vì trước đó quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam sau hiệp định Paris năm 1973. Nhưng “mũi lõ” cũng có thể là những phóng viên người nước ngoài không đến từ nước Mỹ, họ vẫn còn ở lại Sài Gòn để chứng kiến những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến để gửi bài vở và hình ảnh về tòa soạn tại châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á như Nhật Bản. Dưới mắt người Việt Nam, tất cả họ đều là người Mỹ dù thực tế họ không mang quốc tịch Mỹ.        

Hoa Kỳ rút quân theo Hiệp định Paris 1973

Browne viết: “Trong tâm khảm của hàng triệu người Việt và số ít người Mỹ có liên quan sẽ vẫn còn đó sự đau buồn pha lẫn mặc cảm đã phản bội hoặc bị phản bội… Nhiều tổ chức, công ty và cơ quan dân sự Mỹ đã đóng cửa và ra đi mà không ngó ngàng đến thân phận những nhân viên người Việt.

Nhà sản xuất phi cơ Northrop tuyên bố sẽ giúp nhân viên Việt Nam ra đi nhưng lại không áp dụng chính sách này với gia đình của họ nên cuối cùng nhân viên vẫn ở lại. Nhiều chi nhánh ngân hàng Mỹ đóng cửa, chuyển hết hồ sơ và đưa nhân viên về Mỹ để lại hàng ngàn người Việt gửi tiền không được thanh toán. Nhiều cơ quan Mỹ di tản những nhân viên người Việt được chọn lựa theo cách làm của “thế giới ngầm” (underground world) trước khi cuộc di tản chính thức được công bố…        

Ngay người Mỹ, trong số đó có các phóng viên, cũng gặp trở ngại trong việc xin di tản cho người Việt đi cùng khiến một số người phải vất vả làm đơn, phải nộp hôn thú, thậm chí phải hối lộ… Chỗ trên máy bay di tản chỉ có hạn nên người Mỹ trở thành kẻ nói dối trước con mắt những người Việt phải ở lại…”

Bài viết của Browne có đoạn kết như sau:

“Vài phút trước khi nhóm người Mỹ cuối cùng lên xe buýt vào Tân Sơn Nhất để di tản có một người bạn Việt Nam đến chia tay. Người Mỹ nước mắt rưng rưng và người bạn Việt Nam an ủi:

“Sau khi rời khỏi nơi đây có thể bạn sẽ nghe tin về những chết chóc xảy đến cho những người ở lại như tôi. Nhưng bạn sẽ không sống suốt quãng đời còn lại trong sự mặc cảm vì đã phản bội. Đó chỉ là một phần trong “định mệnh đen tối” (black fate) của Việt nam mà trong đó bạn có liên quan. Định mệnh thì lúc nào cũng không thể thay đổi được!”.  


Malcolm Browne và bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu

Theo tôi, một trong những bài viết về những ngày cuối cùng của Sài Gòn đầy đủ nhất và nhiều chi tiết thú vị nhất là của John Pilger [4]. Không giống như các phóng viên Mỹ, Pilger là người Úc thuộc nhóm phóng viên “quốc-tịch-thứ-ba” tham gia  cuộc chiến Việt Nam đến ngày cuối cùng và viết bài cho báo Anh. Pilger đã hai lần đạt được danh hiệu “Phóng viên của năm” (Journalist of the Year), giải thưởng hằng năm cao quý nhất của báo chí Anh.

John Pilger, phóng viên người Anh, gốc Úc

Với tựa đề “The Fall of Saigon 1975: An Eyewitness Report”, Pilger đã đưa người đọc trở về với những ngày định mệnh vào cuối tháng 4/75, khởi đầu là việc một khu vực dân cư tại trung tâm Sài Gòn bị tấn công bằng đạn rocket, thiêu hủy 150 căn nhà, 14 người chết và trên 40 người bị thương:

“Quả rocket phá hủy một khu vực gần 500 mét vuông khu dân cư chen chúc những căn nhà bằng gỗ tại Chợ Lớn và tạo nên một đám cháy thiêu rụi nhà cửa thành bình địa. Người dân đứng đó gần như bất động trước những tấm tôn cong queo còn sót lại… Vụ pháo kích đêm qua là tin sốt dẻo sau hơn 10 năm Sài Gòn không là mục tiêu tấn công, nhưng hôm nay không còn là tin nóng chỉ vài phóng viên có mặt…”

Sài Gòn bị pháo kích

Pilger viết: “Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là “thủ đô tiêu dùng” nhưng chẳng hề sản xuất một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày…”

Hai máy bay C-130 Hercules từ căn cứ không quân Clark tại Phi Luật Tân đang bay phía trên sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị đón người di tản nhưng cuối cùng lại nhân lệnh không được hạ cánh vì tin tình báo cho biết có sự hiện diện của 2 trung đội địch.

Tướng Homar Smith báo cáo: “Có khoảng 3.000 thường dân rất lo lắng đang tập trung tại phi trường Tân Sơn Nhất. Tình hình có vẻ như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát…”. Như vậy là kế hoạch di tản bằng máy bay đã bị phá sản. Chỉ còn lại phương án dùng trực thăng.  

Thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ Văn phòng Tùy viên Quốc phòng (DAO) trong khu vực Tân Sơn Nhất

Pilger tả lại quang cảnh đường phố Sài Gòn: “Lệnh giới nghiêm 24/24 giờ được áp dụng, nhưng vẫn có người trên đường phố trong đó có cả lính của Sư đoàn 18 thuộc vùng 4 chiến thuật. Tôi nghĩ họ nổi giận khi thấy người Mỹ sắp ra đi. Họ xuất hiện ở trung tâm thành phố để nhìn những người nước ngoài, hoặc đe doạ hoặc bắn chỉ thiên để giải toả nỗi tức giận.

Công trường Lam Sơn [gần khách sạn Caravelle] trống trải, chỉ có vài người lính đi lại với vẻ chán chường. Một người trong số này đi nhanh về hướng đại lộ Tự Do, thét vào mặt tôi. Hình như anh ta say. Anh ta lấy súng lục, ngắm bắn, chọn mục tiêu và bóp cò. Viên đạn sượt qua đầu trong khi tôi chạy…”

Những người nước ngoài, kể cả những người thuộc “quốc-tịch-thứ-ba” đã được Tòa Đại Sứ Mỹ phát hành một cuốn sách nhỏ mang tên SAFE, viết tắt từ cụm từ "Standard Instruction and Advice to Civilians in an Emergency”, tạm dịch là “Tiêu chuẩn Chỉ dẫn và Lời khuyên cho thường dân trong trường hợp khẩn cấp".  

Pilger bổ xung nhiều chi tiết hơn về SAFE: “Cuốn sách nhỏ có in bản đồ Sài Gòn và ghi rõ “những khu vực tập trung để trực thăng có thể đón”. Còn có một trang đính kèm với nhắc nhở: “Chú ý đến mật hiệu di tản và không tiết lộ cho những người khác”. Khi có lệnh di tản, mật hiệu sẽ được truyền trên Đài phát thanh của Quân đội Hoa Kỳ. Nguyên văn như sau: NHIỆT ĐỘ TẠI SÀI GÒN LÀ 112 ĐỘ VÀ ĐANG TĂNG. TIẾP SAU ĐÂY LÀ GIAI ĐIỆU BÀI HÁT "I'M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS".   

Như đã nói ở phần trên, những phóng viên thuộc “quốc-tịch-thứ-ba” có người không bết hoặc chưa hề nghe bài hát nổi tiếng của Mỹ từ thập niên 1940, “I’m dreaming of a white Christmas” do Bing Crosby trình bày. Họ cuống quýt nhờ các đồng nghiệp người Mỹ hát thử để nhận diện bài hát khi được phát trên đài Quân đội Mỹ! (xem video clip về bài hát này trên YouTube tại: https://www.youtube.com/watch?v=BOrwX11CbsY)

Thế nhưng Pilger cho biết, anh hoàn toàn không nghe thấy bản tin thời tiết Sài Gòn và cũng chẳng được thưởng thức giọng hát trầm ấm của Bing Crosby rên rỉ về việc mơ thấy một Giáng sinh trắng trên radio như đã thông báo.

Trước Tòa Đại Sứ Mỹ (Ảnh chụp ngày 22/4/1975)

Tình hình ngày càng rối ren, bất ổn… người Việt tìm đường rời khỏi đất nước khiến Đại sứ Mỹ Graham Martin phải xuất hiện trên truyền hình với lời cam kết long trọng: “Nước Mỹ sẽ không rút khỏi Việt Nam”. Ông tuyên bố:

"Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến tôi chưa sắp xếp hành lý" (I, the American Ambassador, am not going to run away in the middle of the night. Any of you can come to my home and see for yourselves that I have not packed my bags).

Pilger viết về ông Martin: “Đại sứ Mỹ là một người kiên quyết và nóng nảy. Ông ta không khoẻ lắm, má hóp và nước da sạm vì bị viêm phổi từ nhiều tháng nay; bài phát biểu đôi khi thều thào do ảnh hưởng của những viên thuốc mà nhà ngoại giao phải điều trị. Ông hút thuốc lá liên tục và những cuộc nói chuyện với ông thường bị gián đoạn bởi những tràng ho dài”.

Theo Pilger, Đại sứ Martin vẫn khẳng định với Washington rằng Việt Nam có thể tồn tại với "vành đai thép" (iron ring) bao quanh Sài Gòn và những máy bay B-52 lúc nào cũng sẵn sàng yểm trợ. Tuy nhiên, trong thâm tâm ông Đại sứ luôn giữ trong lòng một vết thương khó phai khi mất đi người con trai tại vùng đất này 9 năm về trước.   

Sau cuộc họp giữa Martin và các quan chức vào lúc 6 giờ sáng ngày 29/4/1975 có nhiều ý kiến bất đồng. Tất cả mọi người, trừ ông Đại sứ, đều có ý kiến phải tiến hành kế hoạch di tản ngay lập tức. Martin lại không đồng ý, ông tuyên bố sẽ không “chạy trốn” và thậm chí sẽ tự lái xe tới sân bay Tân Sơn Nhất để đánh giá tình hình.

Ông Martin có lý do để lạc quan: Ngoại trưởng Henry Kissinger cho biết Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Dobrynin, hứa sẽ chuyển thông điệp muốn đàm phán của VNCH tới Hà Nội.

Trong khuôn viên Sứ quán Mỹ có một cây me già trồng từ thời Pháp. Đại sứ Martin thường nói với những người thân cận rằng ông coi cây me này là hình ảnh biểu tượng của nước Mỹ tại Việt Nam. Một khi cây me đổ, uy tín và danh dự của Hoa Kỳ cũng đổ theo (!). Nhưng sau khi cuộc họp kết thúc, phụ trách CIA tại Nam Việt Nam, Tom Polgar, ra lệnh chặt cây me mà không xin phép ông Martin để chuẩn bị cho kế hoạch di tản.

Ngoài bãi đáp trên sân thượng của tòa đại sứ dành cho loại trực thăng nhỏ Huey, khoảng không đủ rộng để các loại trực thăng Chinook và Jolly Green Giant lên xuống là khu vực bể bơi. Chỉ nơi đây mới có thể thực hiện kế hoạch di tản theo “Option Four” (Phương án 4: di tản bằng trực thăng). Để chuẩn bị cho phương án này, cây me già sẽ bị đốn.     

Hồ bơi trong khuôn viên Tòa Đại Sứ có cả vũ khí cá nhân của người chờ di tản

10g43: Lệnh tiến hành “Option Four” được đưa ra. Tuy nhiên, Đại sứ Martin vẫn tin rằng “còn thời gian” để đàm phán để có một “giải pháp danh dự”. Một đám đông chen lấn ở trước cửa sứ quán Mỹ, có người còn cố trèo tường để vào bên trong. Một số người có mặt ở đây chỉ vì tò mò; một số khác vừa ôm chặt cánh cổng sắt vừa nài nỉ thủy quân lục chiến Mỹ. Họ đưa ra giấy tờ hoặc thư từ giới thiệu của các quan chức Mỹ.

Đám đông trèo tường để vào Tòa Đại Sứ Mỹ

Pilger thêm chi tiết: “Một ông già có lá thư của một Trung uý người Mỹ. Trước đây ông đã làm tại một quán bar tại câu lạc bộ sĩ quan không quân tại Pleiku với nhiệm vụ rửa bát. Lá thư đề ngày 5/6/1967 ghi: "Ông Nhạ, người mang bức thư này, đã trung thành phục vụ sự nghiệp tự do của Việt Nam Cộng hoà".

Tục ngữ Việt Nam có câu "Cháy nhà ra mặt chuột". Ông Phan Quang Đán, cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng đặc trách An sinh Xã hội và Tái định cư Người tị nạn, đi cùng vợ vào sứ quán. Cùng với họ là những người thân, số lượng tương đương một trung đội.

Trong số những người sắp di tản còn có các thanh niên ở độ tuổi quân dịch nhưng gia đình họ khá giả nên hối lộ những khoản tiền lớn để chỉ có tên trong danh sách của một đơn vị nào đó, nhưng chưa bao giờ ra chiến trường. Họ có cuộc sống phong lưu ở Sài Gòn, uống cà phê, cưỡi Honda… trong khi con trai nhà nghèo phải tham gia quân đội bỏ mạng ở Quảng Trị, An Lộc...

Tướng Đặng Văn Quang, một trong những cánh tay đắc lực của Tổng thống Thiệu, cũng có mặt trong khuôn viên sứ quán với 3 chiếc vali Samsonite để chờ trực thăng rời khỏi Việt Nam. Pilger mô tả “Tướng Béo” là một trong những vị tướng giàu nhất vì tham nhũng và buôn lậu. Sau này, cuộc đời lưu vong của Tướng Quang cũng gặp nhiều trắc trở, ông định cư tại Mỹ rồi lại sống tại Canada và cuối cùng qua đời tại Hoa Kỳ năm 2011.

Tâm trạng những người Mỹ trong sứ quán, theo lời kể của Pilger, lại vui như trong ngày hội. Họ ngồi trên bãi cỏ quanh bể bơi với rượu champagne đặt trong các bình đá được lấy từ sứ quán.  

Pilger có dịp nói chuyện với Warren Parker trên sân Tòa Đại Sứ, ông là Lãnh sự Mỹ tại Mỹ Tho. Parker nói với giọng tiểu bang Georgia: “Nếu có khoảnh khắc của sự thật thì với tôi đó là hôm nay. Những năm qua tôi ở đây, làm việc cho nước tôi và đất nước này. Và hôm nay tất cả những gì tôi thấy là chúng ta đã chia rẽ người tốt khỏi người xấu... và chúng ta chỉ thu về toàn người xấu".

Thủy quân Lục chiến trên tàu Hancock thuộc Đệ thất Hạm đội chờ lịnh để bay đến Sài Gòn bảo vệ cuộc di tản

3g15 chiều 29/4/1975: Chiếc Cadillac chở Đại sứ Martin không thể rời cổng phụ sứ quán. Chiếc xe dừng lại và ông tuyên bố: “Một lần nữa, tôi sẽ đi bộ về nhà của mình, tôi sẽ đi bộ một cách thoải mái trong thành phố này. Tôi sẽ rời Việt Nam khi Tổng thống bảo tôi phải làm như vậy”.

Graham Martin vượt qua đám đông và đi bộ một đoạn ngắn về tư dinh. Một tiếng rưỡi sau, ông trở lại sứ quán với chú chó xù Nitnoy và một người đàn ông Việt Nam giúp việc. Pilger kể tiếp những diễn biến trong Tòa Đại Sứ:    

“Khi chiếc trực thăng Chinook đầu tiên hạ cánh, cánh quạt va phải một ngọn cây và tiếng các cành cây rơi xuống tựa như một cuộc chạm súng… Sức gió của cánh quạt cũng khiến một số giấy tờ và tiền đô la bay tứ tung…”  

Rất nhiều tài liệu mật của sứ quán đã được tiêu huỷ cộng với rất nhiều tiền, những tờ tiền giấy 10, 50 và 100 đô la, cũng cùng chung số phận. Pilger tiết lộ: “Một quan chức trong sứ quán cho biết hơn 5 triệu đô la đã bị đốt, tất cả các két sắt trong sứ quán đều trống rỗng nhưng vẫn được khóa cẩn thận… “để đánh lừa ‘kẻ xấu’ khi chúng tôi ra đi”.

Nguyên văn của câu cuối: “so as to fool the gooks when we've gone”, chữ “gooks” là tiếng lóng của người Mỹ dùng để miệt thị người châu Á nên chúng tôi tạm dịch là “kẻ xấu”.  Thủy quân lục chiến phục vụ tại Phi Luật Tân hồi đầu thế kỷ 20 đã sử dụng từ này để chỉ người Philippines. Thuật ngữ này tiếp tục được sử dụng bởi lính Mỹ tại Việt Nam khi có ý xúc phạm đến người bản xứ.  

Trực thăng Jolly Green Giant bốc người di tản từ khuôn viên Tòa Đại Sứ

Trực thăng Chinook, có hình dáng như một quả chuối, bình thường có thể chở 50 người nhưng hôm nay tải trọng lên đến 70 người di tản nhưng các phi công đã điều khiển một cách an toàn ra Đệ thất Hạm đội đang chờ ngoài Biển Đông.

Trực thăng Chinook trên Đệ thất Hạm đội
 
2g30 sáng 30/4/1975: Kissinger gọi điện cho Martin và yêu cầu ông kết thúc kế hoạch di tản lúc 3g45 sáng. Nửa tiếng sau, Martin xuất hiện cùng một cặp da, một túi xách các tài liệu và lá cờ Sao & Sọc của Hoa Kỳ. Ông im lặng đi lên tầng 6, nơi một chiếc trực thăng đang đợi.

Liên lạc giữa sứ quán và trực thăng di tản ghi lại: “Lady Ace 09 đang ở trên không cùng Code Two”: “Lady Ace 09” là ám số của chiếc trực thăng chở Đại sứ Graham Martin, còn ông mang bí danh “Code Two”. Đó cũng lời xác nhận bán chính thức về việc Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. 

Những người lính Thủy quân Lục chiến cuối cùng rút lên sân thượng, họ bắn lựu đang cay xuống cầu thang trong tâm trạng hoang mang của những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam…

Ngày 2/5/1975 vị Đại sứ Hoa Kỳ 61 tuổi với vẻ mệt mỏi đã tuyên bố ngắn gọn với các phóng viên có mặt trên Đệ thất Hạm đội: “Với tư cách một quốc gia, nếu chúng ta đã làm những gì mà tôi nghĩ là chúng ta đã nói thì chúng ta nên làm – nếu chúng ta giữ những cam kết đó thì chúng ta đã không phải di tản”. 

Đại sứ Graham Martin gặp các phóng viên có mặt trên Đệ thất Hạm đội ngày 2/5/1975

Theo những tài liệu còn lưu giữ tại Trung tâm Văn khố Việt Nam thuộc Texas Tech University, cuộc di tản được tiến hành tại hai địa điểm chính: Văn phòng Tùy viên Quân sự Mỹ (DAO) tại phi trường Tân Sơn Nhất và trên khuôn viên Tòa Đại Sứ Mỹ.

Tại DAO, cuộc di tản kéo dài từ 4g30 chiều đến 8g tối ngày 29/5/1975. Tại Tòa Đại Sứ Mỹ, kế hoạch ban đầu là chỉ di tản những nhân viên trực thuộc nhưng số người Việt kéo đến đây lên tới khoảng 2.000 người trong khi số chuyến bay đến từ Đệ thất Hạm đội chỉ có hạn. Cuộc di tản để lại hơn 400 người Việt tại Tòa Đại sứ. Chuyến bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn vào lúc 7g53 sáng 30/4/1975 để bốc toán Thủy quân Lục chiến bảo vệ sứ quán.

Tổng kết có hơn 130.000 người di tản khỏi Sài Gòn và riêng trong ngày cuối cùng có 662 chuyến bay đưa người di tản ra Hạm đội 7 neo đậu ngoài Biển Đông, cách Sài Gòn 60 dặm.

Kế hoạch di tản của Hoa Kỳ bị thiệt hại 3 chiếc trực thăng và 2 nhân viên phi hành. Một kết quả đáng tự hào của lực lượng phụ trách di tản nhưng cũng là một đoạn kết buồn cho cuộc hôn nhân Việt – Mỹ như Malcolm Browne đã từng ví von!   

***

Chú thích:

[1] Homer William Bigart (1907–1991) là phóng viên của New York Herald Tribune từ năm 1929 đến năm 1955 và sau đó chuyển sang tờ New York Times cho đến khi về hưu vào năm 1972. Ông được coi là “phóng viên của mọi phóng viên” và là một tấm gương sáng cho các phóng viên thế hệ kế tiếp.

[2] David Halberstam (1934–2007) là một nhà báo và là tác giả nổi tiếng về đề tài Chiến tranh Việt Nam, ông còn viết về chính trị, lịch sử, kinh doanh, truyền thông, văn hóa Mỹ, và sau cùng là thể thao.

Ông tốt nghiệp chuyên ngành báo chí tại trường Đại học Harvard năm 1955. Từ đó, ông theo đuổi nghề báo và viết sách cho đến khi ông mất năm 2007 do tai nạn giao thông.

[3] Về Malcolm Browne, xem thêm bài viết “Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/11/malcolm-browne-bo-anh-hoa-thuong-thich.html

[4] John Richard Pilger sinh năm 1939 tại Úc và sinh sống tại Luân Đôn từ năm 1962, ông cộng tác với tờ Daily Mirror và tạp chí New Statesman. Ngoài công việc của một phóng viên chiến trường, Pilger và còn là người làm hơn 50 phim thời sự nổi tiếng với khuynh hướng chống lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và Anh quốc. Ông cũng là người phản đối chính sách của chính phủ Úc đối với thổ dân tại đây. Ngoài những phim về Việt Nam, ông còn thực hiện những bộ phim thời dự về Cambodia, Đông Timor.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét