Tôi
còn nhớ mãi kỷ niệm sau khi đi học tập cải tạo về, gặp lại một anh bạn hồi xưa cũng
dạy tại Trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn. Gặp nhau giữa thời điêu linh tuy có
khổ thật nhưng lại có nhiều chuyện để nói. Tôi hỏi anh bạn lúc này làm gì, anh
trả lời tỉnh bơ: “Xô-xích-le!”.
Hình
như biết tôi mới từ trại cải tạo ra, chưa bắt kịp loại ngôn ngữ “thời thượng”
xuất hiện sau ngày Sài Gòn đổi tên, anh bạn giải thích: “Đạp xe xích lô ấy mà!”. Quả thật đó là lần đầu tiên tôi được nghe
đến “Xô-xích-le”, cái tên nghe lạ tai với âm hưởng của tiếng Pháp.
Biết đâu chừng người đạp “xô xích le” là một người đã tốt
nghiệp trường…
Đại học Cải tạo?
“Xích-lô”,
suất xứ từ tiếng Pháp “cyclo”, là một phương tiện giao thông sử dụng sức người,
di chuyển trên 3 bánh dùng để chở khách hoặc hàng hóa. Người lái xe cũng vận
hành cyclo như một chiếc xe đạp nên còn được gọi là “xích-lô đạp” và sau này được
cải tiến với động cơ xe gắn máy để thành “xích-lô máy”.
Cũng
áp dụng cách vận hành tương tự như cyclo, còn có xe ba gác với thùng xe đặt ở
phía trước để chở đồ đạc cồng kềnh và sau này xe ba gác lại được cải tiến thành
xe ba gác máy với động cơ của xe gắn náy.
Ngược
lại với cyclo, ở miền Tây, hay còn gọi là Lục Tỉnh, có loại xe đạp kéo thùng chở
khách đằng sau được gọi là xe lôi, rất phổ biến ở các tỉnh miền đồng bằng sông
Cửu Long. Dần dà người ta lại dùng xe máy để kéo, cũng tương tự như người anh
em là chiếc cyclo máy.
Xe lôi miền Tây
Chiếc
cyclo đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1938 nhưng mẫu thiết kế lại không do
người Việt vẽ kiểu mà lại là “tác phẩm” của một người Pháp. Lịch sử chiếc cyclo
lại còn ly kỳ hơn, chiếc cyclo đầu tiên chính thức được nhà cầm quyền bảo
hộ cấp phép lưu hành không phải là ở Sài Gòn mà là Phnom Penh, thủ đô của xứ
Chùa Tháp trong Đông Dương thuộc Pháp gồm Việt Nam, Cao Miên và Lào.
Cyclo Phnom Penh năm 1938
Xích
lô xuất hiện vào khoảng năm 1938 tại Phnom Penh. Chiếc đầu tiên do một người
Pháp, dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao vẽ kiểu. Phải
vất vả lắm Coupeaud mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép
lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là
Georges Speicher và Le Grèves.
Để
“tiếp thị” chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh và người lái ngồi phía sau xe,
Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình “giới thiệu sản phẩm” dài gần 200km từ
Phnom Penh đến Sài Gòn do hai người thay phiên nhau đạp xe trong thời gian 17
giờ 23 phút!
Và
cyclo đã chinh phục Sài Gòn xưa với 40 chiếc vào năm 1939, nhưng chỉ một năm
sau, năm 1940, Sài Gòn đã có khoảng 200 chiếc cyclo chạy trên đường phố.
Cyclo Saigon 1950
Nhìn
khái quát, cyclo là sự kết hợp và gắn nối của các ống sắt đủ loại, đủ kích cỡ,
từ thanh bảo vệ hành khách ở phía trước đến phần ngồi của người điều khiển phía
sau. Hai phần này được nối với nhau bằng một trục nằm dưới gầm xe, phía dưới chỗ
ngồi của khách, có tác dụng giúp người lái xe có thể quẹo phải, trái hay đi thẳng
về phía trước.
Phần
yên xe của người điều khiển cũng là một kết cấu đơn giản với thắng tay nằm ngay
phía dưới qua hình thức một chiếc vòng sắt hoặc một thanh ngang để người lái có
thể kéo lên mỗi khi muốn giảm tốc độ hoặc dừng xe.
Thắng tay nằm ở ngay dưới chỗ ngồi của người điều khiến
Lái
cyclo không phải dễ như mọi người tưởng. Yên xe rất cao nên những người “thiếu
thước tấc” rất khó “leo” lên, đó là chưa kể khi leo được lên yên chưa chắc đã đạp
được hết vòng nếu chân quá ngắn.
Phần
sau của xe được nối với thùng xe bằng một trục thẳng đứng nên khi cua ngặt sẽ
khiến xe mất thăng bằng, dễ bị lật. Tuy nhiên, tôi đã có lần được chứng kiến
“cao thủ” cyclo biểu diễn chạy xe bằng… 2 bánh. Có nghĩa là nghiêng hẳn một bên
xe, và dĩ nhiên là trên xe không có khách.
Cyclo trước Tòa Đô Chánh
(Hình do R. Cauchetier chụp năm 1955)
Khi
khách bước lên hoặc xuống xe, người điều khiển phải kềm phần sau vì nếu khách
thuộc loại “nặng ký” sẽ khiến đuôi xe chống ngược. Lại nữa, người lái cyclo phải
là tay giỏi… “thương lượng” vì khách trước khi lên xe bao giờ cũng kỳ kèo mặc
cả. Tùy hoàn cảnh, người lái xe có thể chấp nhận cái giá mà khách trả hay xách
xe không kiếm mối khác!
Chân
dung người đạp xích lô cũng muôn hình vạn trạng. Đó có thể là người trên đầu đội
chiếc nón lá, quần ống thấp ống cao, lep kẹp đôi dép lộ rõ mười ngón chân cáu bẩn.
Buổi trưa nắng gắt bác cyclo tìm một chỗ dưới gốc cây, đánh một giấc ngay trên
xe để lấy sức tiếp tục rong ruổi trên đường phố kiếm cơm.
Giấc ngủ trưa của người đạp cyclo
Có
sự phân biệt rõ ràng giữa cyclo Sài Gòn và cyclo Hà Nội. Trong khi cyclo Sài
Gòn chỉ ngồi được một người (nếu cần có thể “nhét” thêm một khách nữa) thì
cyclo Hà Nội có thể chở được hai người ngồi một cách thoải mái.
Cyclo
Sài Gòn là phương tiện chuyên chở bình dân nên trông cũ kỹ với mui xe, hai bên
hông và phía trước được che bằng vải bạt khi trời mưa… trong khi cyclo Hà Nội
sinh sau đẻ muộn nên được o bế một cách diêm dúa, mui xe làm như cái lọng của
vua chúa… thường được dùng để phục vụ khách du lịch.
Cyclo Hà Nội
Theo
sự tiến bộ của khoa học, chiếc cyclo máy được ra đời vào đầu thập niên 1960. Những
người đến Sài Gòn lần đầu tiên đều rất thích thú được ngồi trên phương tiện
chuyên chở độc đáo này để ngắm nhìn đường phố. Cyclo máy chạy nhanh hơn cyclo đạp
và người điều khiển thường là những thanh niên khỏe mạnh trong khi cyclo đạp
thường do những người nhiều tuổi hơn điều khiển.
Cyclo
máy được lắp ráp ngay tại miền Nam, với những phụ tùng, linh kiện nhập cảng từ
Pháp: động cơ cuả hãng xe mô tô Peugeot, loại 125 phân khối, dùng xăng pha nhớt.
Đây là loại động cơ 2 thì nên khi nổ máy khói phun mịt mù, tiếng máy của xe
cũng thuộc loại gây “ô nhiễm tiếng ồn”.
Cyclo máy Sài Gòn
Cyclo
máy ra đời vào thời kỳ chiến tranh leo thang với sự xuất hiện của quân đội đồng
minh, nhất là lính Mỹ rất thích phương tiện chuyên chở này. Có người nước ngoài
còn nói đi cyclo máy Sài Gòn còn thú vị hơn ngồi xe hơi mui trần “convertible”.
Một
anh lính Mỹ viết thư về nhà mô tả chiếc cyclo máy, đại khái như “một con quái vật
há mồm, hùng hổ trên đường”… “ngồi cyclo máy tựa như phi thuyền phóng lên mặt
trăng”… Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy sự nguy hiểm rình rập khi ngồi trên chiếc
cyclo máy chạy nhanh, nếu tai nạn xảy ra, hành khách là người bị nặng nhất còn
người lái xe ngồi ở mãi phía sau.
Lính Mỹ trên chiếc cyclo máy
Chiếc
xích-lô cũng đã đi vào điện ảnh với phim Cyclo
của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng qua sự hợp tác của hãng phim Giải
Phóng và Salom Films Studio của Hồng Kông. Phim lấy bối cảnh là Sài Gòn xưa, ngoài
dàn diễn viên người Việt còn có sự tham gia của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông
Lương Triều Vĩ (*).
Phim
đã đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venise năm 1995 nhưng lại bị cấm chiếu
tại Việt Nam. Thời điểm đó, việc phim bị cấm đã gây nên nhiều phản ứng trong nội
bộ giới chuyên môn điện ảnh. Đến nay, không ít người cho trong giới cho rằng
trường hợp phim Cyclo là "án
oan" đối với một tài năng điện ảnh như Trần Anh Hùng.
Nhân
vật chính của phim là Xích Lô do Lê Văn Lộc đóng. Anh vốn là một tay lơ xe ở Quảng
Ngãi được đạo diễn Trần Anh Hùng vô tình phát hiện. Say phim này, Lộc cho biết
anh sẽ đem tiền về quê học nghề lái xe, chứ không dám đóng phim nữa.
Trong
phim, nhân vật chính là Xích Lô, một thanh niên chất phác, mồ côi cha mẹ, anh
làm nghề lái cyclo kiếm sống tại Sài Gòn. Xích Lô ở trong một căn hộ rách nát với
gia đình gồm chị (Trần Nữ Yên Khê), một người em gái đang đi học và ông nội làm
nghề vá xe đạp trên phố.
Một
hôm, trong lúc đi tiểu tiện ngoài vỉa hè, chiếc xích lô mà Xích Lô mượn của bà
Buồn (Như Quỳnh) bị cướp. Trong lúc bế tắc vì nợ nần, anh chấp nhận đi theo
băng đảng của bà Buồn và tay tình nhân của bà ta (Lương triều Vĩ) cướp của trả
nợ.
Theo
băng đảng, Xích Lô phạm nhiều tội ác ghê gớm: cướp của, giết người... Từ đó anh
phải sống trong sự dằn vặt và sợ hãi, nhiều lần tính chuyện rút chân khỏi băng
đảng nhưng đều thất bại.
Cầm
đầu băng đảng này là Nhà Thơ (Lương Triều Vĩ đóng), y là một kẻ gian ác đồng thời
là một nhà thơ, là người yêu của chị gái Xích Lô. Y cũng là người dụ dỗ chị gái
Xích Lô trở thành gái mại dâm, phục vụ cho nhiều nhân vật bệnh hoạn: một lão
già thích xem đàn bà đái (Mạc Can đóng), 1 lão thích sơn móng chân cho đàn bà,
1 thanh niên thích còng tay đàn bà (Lê Tuấn Anh đóng)...
Đêm
30 Tết, trong khi cả thành phố đang nhộn nhịp đón giao thừa, thằng Điên, đứa
con trai bị thiểu năng trí tuệ của bà Buồn bị xe cán chết, đồng thời Nhà Thơ
cũng tự thiêu với một tâm lý đầy mâu thuẫn. Xích Lô thì dùng súng tự bắn vào mình
trong cơn say ma túy.
“Siêu” cyclo
Sau
đêm giao thừa, mọi việc trở lại trật tự của nó. Xích Lô khi tỉnh dậy, rời khỏi
băng đảng, bà Buồn mất con gần như hóa điên. Anh về với nghề đạp xích lô. Người
chị trong lúc đi chùa đã bị mất di ảnh cuối cùng của Nhà Thơ, cũng trở về nhịp
sống cũ. Đoạn cuối phim Xích Lô có nhắc đến con mèo, nói rằng: "nó còn đẹp hơn trước lúc nó đi lạc".
Phim kết thúc trong bản hợp tấu đàn manđôlin của một lớp tiểu học: Rửa mặt như mèo.
Do
Trần Anh Hùng không rành tiếng Việt nên ông đã mời nhà thơ Nguyễn Trung Bình hợp
tác trong việc viết lời thoại phim. Nhà thơ này cũng là người sáng tác 3 bài
thơ cho Nhà Thơ đọc trong những phút ngẫu hứng. Phần nhạc trong phim do nhạc sĩ
Tôn Thất Tiết phụ trách, ông Tiết cũng là người làm nhạc cho Mùi đu đủ xanh. Với phim này ông đã được
trao giải thưởng George Delerue 1995 về nhạc phim hay nhất.
Cũng
cần nói thêm, phim có sử dụng một số bài hát xưa như Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn, do 2 người cụt chân hát trong quán nhậu),
Ru con (dân ca), tên cướp hát trong
căn phòng tối trước khi tử hình kẻ thù, Thằng
Bờm (dân ca, do bà Buồn hát ru thằng Điên), Làng tôi (Văn Cao, do cô gái điếm), Bắc Kim Thang (dân ca, do học sinh lớp tiểu học hát) và Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang, do ca sĩ
Thanh Lam hát trong quán nước).
Poster phim “Cyclo”
Báo
chí cũng có lần đưa tin “giật gân”: Tổng thống Obama bị ngã cyclo trên đường phố
Yogyakarta, Indonesia. Vụ tai nạn đã làm cho Tổng thống bị gãy chân trái và tay
phải… Nhưng thật may mắn cho nước Mỹ, đấy không phải là tổng thống thật mà chỉ
là bức tượng Barack Obama được làm từ sợi thủy tinh. Bức tượng là tác phẩm của
nghệ sĩ Wilman Syahnur sáng tác cho liên hoan văn hóa nghệ thuật Biennale Jogja
lần thứ 10 tại thành phố Yogyakarta.
Trên
đường đưa bức tượng từ Công viên Văn hóa Yogyakarta đến bảo tàng Quốc gia Jogja
bằng xe xích lô, Wilman đã chở bức tượng đi dạo một vòng trên khu phố mà Obama
đã sống thời niên thiếu để "ông" chào mọi người.
Theo
mạng okezone.com, tai nạn xảy ra khi chiếc xích lô đã bị lật nhào và bức tượng
tổng thống Mỹ đã bị rơi xuống đường. Tuy "ngài tổng thống" bị thương
nặng như vậy nhưng Wilman cho biết anh sẽ cố “điều trị” lành lặn mọi vết thương
cho "Obama” chỉ trong vòng 1-2 ngày.
Hình chụp bức tượng Obama bị lật xe cyclo
trên đường phố Yogyakarta, Indonesia
Và
để kết thúc bài viết về cyclo, xin kể thêm một chuyện, không biết là nên buồn
hay vui. Trên trang ảnh Flickr tôi có post rất nhiều hình chụp các phương tiện
giao thông ở Việt Nam, trong đó có cả những chiếc xe cyclo chạy trên đường phố.
Tôi nhận được một comment như sau: “Ông
này chắc từng làm nghề xích lô, nên mới chụp lắm hình xích lô thế”.
Tôi
đoán anh bạn này là người miền Bắc nên trả lời: “Ở miền Nam, một số người sau khi đi học tập cải tạo trở về làm nghề đạp
cyclo… Tôi không ở trong trường hợp đó nhưng rất trân trọng những người lao động
chân chính. Không nhất thiết đã từng đạp cyclo nên mới chụp nhiều hình cyclo”.
***
Chú thích:
(*) Xem phim "Cyclo" tại:
https://www.youtube.com/watch?v=7m5hbvXixyo
***
(Còn tiếp)
Chú thích:
(*) Xem phim "Cyclo" tại:
https://www.youtube.com/watch?v=7m5hbvXixyo
***
(Còn tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Chừng như có một sự hòa quyện khá tinh tế giữa tính hàn lâm sử học, tính văn nghệ, tính humour trong entry (mà tôi nhìn như tản văn) này!. Không biết anh Chính đã mất bao nhiểu thời gian để hoàn thành nhưng rất thú vị? và những hình ảnh post kèm có vẻ giá trị nghệ thuật khá cao!
Trả lờiXóaAnh Chính à, nói thật lòng, trước đây tôi cũng tải một vài bài của anh về máy mình vừa để đọc lại, vừa giữ làm tư liệu nhưng bây giờ thấy "có nguy cơ" số lượng bài copy về ngày càng nhiều vì đọc 10 bài đã LIKE đến 6-7 bài, nghĩ rằng rồi anh cũng sẽ in, có thể chỉ lưu hành nội bộ và tôi tin, khi đó tôi sẽ được anh tặng, nằm thoải mái trên giường mà đọc sách giấy vì cột sống cổ tôi báo động nhiều từ lâu và gần đây thì nhiều hơn. Anh đồng ý chứ?
Cyclo là chuyện gắn với cuộc sống nhiều người, khi thấy tiêu đề này tôi liên tưởng khá nhiều kỷ niệm chỉ xin kể hầu anh một trong đó: có lần năm 1988, trả giá một chiếc xe ôm từ chợ An Đông về gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi lúc đó là CV Lê Văn Tám, cò kè "từ đất cái trả lên" phân tích đủ mọi thứ rồi hai bên mới chịu giá, lên xe nói chuyện nắng mưa để quên đường dài. Lúc xuống xe, chuyện bất ngờ là tôi lấy tiền, cầm cả hai tay số tiền gắp đôi giá thỏa thuận lúc đầu và bắt đầu bằng chữ: “Thưa anh…” dù lúc đó tôi tính từng đồng trong chi tiêu anh ạ!
Thời xưa tôi được nghe: xích lô và xe kéo là hình thức nô lệ, là bất công, người bóc lột người của của đế quốc Tây, đảng kêu gọi toàn dân vùng lên làm cách mạng để dành lại quyền làm người, xóa bỏ hình thức nô lệ này...nay được đảng quản lý tổ chức cho bóc lột tiếp với hình thức: văn hóa phục vụ du lịch, khi người ngoại quốc đến Việt nam du lịch ngồi chểm chệ trên xe để người An-Nam gầy còm cong lưng đạp để phục vụ ... xòe tay nhận tiền thì nước ta rất hảnh diện... và đứng ra quản lý.
Trả lờiXóa