Xanh đậm: những quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức
Xanh nhạt: Những quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai
Tiếng Anh ngày nay đang trên đường bành trướng khắp thế
giới. Ở Âu châu, tiếng Anh đã chinh phục tiếng Pháp của Molière, tiếng Đức của
Goethe, tiếng Tây Ban Nha của Cervantes… Tại Phi châu, tiếng Anh trở thành ngôn
ngữ quan trọng bậc nhất tại các nước như Nam
Phi , Liberia ,
Zimbabwe .
Sang đến Á châu, tiếng Anh được coi như ngôn ngữ thứ hai
ngoài tiếng bản địa tại một số quốc gia như Phi Luật Tân (Philipin), Tân Gia Ba
(Singapore), Mã Lai (Malaysia), Hồng Kông và ngay cả Việt Nam…
Trước sự bành trướng này, một số quốc gia ở Âu châu đã có
những phong trào kêu gọi bảo vệ ngôn ngữ bản xứ trước làn sóng bành trướng của
tiếng Anh. Điển hình tại Nga, Đệ nhất phu nhân Lyudmilla Putin là người cổ xúy
việc bảo vệ tiếng Nga trước sự xâm nhập âm thầm của tiếng Anh.
Tại một nước nhỏ như Thụy Sĩ, với dân số khoảng 7,5 triệu
người nhưng lại có tới 4 ngôn ngữ chính thức là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý
và tiếng Romansh, đã xuất hiện một tổ chức “Bảo
vệ tiếng Pháp” qua chủ trương Thụy Sĩ không cần một ngôn ngữ chính thức thứ
năm, ám chỉ tiếng Anh.
Người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp chiếm khoảng 1/5 dân số, họ
chống đối việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ 9 tuổi trở lên tại những khu vực nói
tiếng Đức. Lý do cũng dễ hiểu: phải đến 11 tuổi trẻ em mới được học thêm tiếng
Pháp hoặc tiếng Ý tại khu nói tiếng Đức. Sẽ là điều bất hợp lý nếu dậy tiếng
Anh trước cả tiếng Pháp, tiếng Ý.
Tại Pháp, Tổng thống Jacques Chirac đã từng quan niệm: “Đối với nhân loại, không gì tệ hơn là việc
tiến đến tình trạng chỉ nói được có một ngôn ngữ”. Người Pháp bây giờ dùng
những từ như “le week-end”, “OK”… một
cách tự nhiên trong ngôn ngữ hàng ngày. Ngược lại, nhiều người Pháp cứ tưởng “computer” có xuất xứ từ tiếng Anh trong
khi nó có nguyên thủy từ tiếng Pháp gốc Latin!
Người Đức cũng rất chuộng tiếng Anh nhưng khổ nỗi họ phát âm
giọng Đức nên nhiều người nước ngoài lại tưởng lầm là họ nói tiếng Đức. Họ dùng
những cụm từ tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày như “happy birthday” (chúc mừng sinh nhật), “last minute” (vào phút chót), “just
for fun” (cho vui vậy thôi)…
Tiếng Anh cũng được người Đức dùng để diễn tả những khái
niệm như “sex appeal” (sự quyến rũ
dục tính) hoặc “geoutet” được hiểu là
người có khuynh hướng đồng tính. Tại Đức, “handy”
được dùng để chỉ điện thoại di động (mobile phone) nhưng “mobbing” lại ám chỉ sự quấy rối tình dục tại nơi làm việc
(harrassment in the work place).
Tại những quốc gia ở Âu châu mà tôi có dịp đến thăm, tiếng
Anh được sử dụng tại nước Đức và Áo gây nhiều ấn tượng nhất. Ở những nơi này, ngoại
ngữ được dạy ưu tiên trong trường học là tiếng Anh, kế tiếp theo đó là tiếng
Pháp.
Tiếng Đức đã từng một thời là ngôn ngữ chung (lingua franca)
ở trung tâm châu Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Về phương diện ngôn ngữ, khi đến Áo
người ta có cảm giác là vẫn ở Đức vì cả hai nước đều dùng chung tiếng Đức. Cũng
vì thế, khi họ nói tiếng Anh vẫn thấy cùng một giọng điệu, đó là “German
accent”.
Giống như người Đức, người Hòa Lan cũng du nhập một số từ
tiếng Anh nhưng lại biến đổi ý nghĩa. Đối với người Hòa Lan, “pocket” có nghĩa là sách bìa mỏng
(paperback) còn “touringcar” lại là
xe buýt đường dài (coach).
Tại Âu châu, tiếng Anh mang sắc thái riêng của từng quốc gia
sử dụng nó nên có những thuật ngữ như“Franglais”
là tiếng Anh của người Pháp, “Spanglish”
tiếng Anh của người Tây Ban Nha và thậm chí còn có cả “Denglish” là tiếng Anh pha trộn với tiếng Đức tại những khu vực
nói tiếng Đức.
Điểm nổi bật tại Âu châu là việc hình thành Liên minh châu
Âu hay Liên hiệp châu Âu mà ta quen gọi theo tiếng Anh là EU (European Union).
EU là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên được thành
lập bởi Hiệp ước Maastricht
vào ngày 1/11/1993.
EU có hơn 500 triệu dân với 23 ngôn ngữ chính thức nhưng tiếng
Anh là ngoại ngữ được 51% dân số EU sử dụng, bao gồm cả người bản ngữ tiếng Anh,
sau đó mới là tiếng Đức và tiếng Pháp. Điều khá lý thú là người Anh chỉ chiếm
13% dân số EU nhưng tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ chính thức trong khi Đức
chiếm 18% và Pháp 12% dân số.
Cờ các quốc gia trong EU
Tại Phi châu, Cộng hòa Nam Phi có tới 11 ngôn ngữ chính
thức: Tiếng Afrikaans, tiếng Anh, Ndebele, Bắc Sotho, Nam Sotho, Swati, Tsonga,
Tswana, Venda, Xhosa và Zulu. Vì đã một thời là thuộc địa của Vương quốc Anh
nên tiếng Anh ngày nay vẫn được sử dụng phổ biến trên toàn quốc. Trong 4 ngôn
ngữ được dùng nhiều nhất tại các gia đình ở Nam Phi, tiếng Anh chiếm gần 6
triệu người trong số 47 triệu dân sinh sống tại đây.
Quốc kỳ Liberia
Tại châu Á, thực tế cho thấy “cây ngôn ngữ tiếng Anh” (English
language tree) lại được phân thành nhiều nhánh mà các nhà ngôn ngữ học gọi bằng
các tên như “Singlish” (Singaporean
English, tiếng Anh của người Singapore), “Manglish”
(tiếng Anh tại Malaysia), “Chinglish”
(Chinese English, tiếng Anh của người Tàu) và “taglish” (Tagalog English, tiếng Anh của người Phi Luật Tân nói
tiếng Tagalog).
“Cây Ngôn Ngữ” tiếng Anh khắp thế giới
Tại Phi Luật Tân (Philippines ) có hơn 170 thổ ngữ địa
phương được dùng nhưng theo hiến pháp năm 1987, Tagalog và tiếng Anh được chọn
là ngôn ngữ chính thức. Việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân đã giảm
sút kể từ thời cai trị của Hoa Kỳ nhưng ngôn ngữ Tây Ban Nha vẫn có ảnh hưởng
lớn trong văn hoá Phi Luật Tân, một di sản của hàng thế kỷ thuộc địa Tây Ban
Nha.
Ảnh hưởng văn hoá Hoa Kỳ đối với Phi Luật Tân chỉ bắt đầu từ
hơn một thế kỷ nay. Di sản lớn nhất là việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh, còn
được gọi là Taglish (Tagalog English). Thổ ngữ Tagalog, còn được gọi là
Pilipino, được 1/3 dân số Phi Luật Tân sử dụng còn tiếng Anh được dùng trong
các văn bản và hoạt động của chính phủ.
Cũng có một số khuynh hướng văn hoá Mỹ khác đang phát triển tại
Phi như việc ưa thích thức ăn nhanh (fast-food). Bên cạnh những ông khổng lồ Mỹ
như McDonald's, Pizza Hut, Burger King, KFC, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh trong
nước cũng mọc lên như nấm, trong đó phải kể đấn Jollibee, Greenwich Pizza và
Chowking.
Tôi đã đến Manila ,
thủ đô của Phi Luật Tân, và điều đáng chú ý là những chiếc Jeepney được sơn
phết sặc sỡ chạy trên đường phố. Jeepney có xuất xứ từ xe Jeep của quân đội Mỹ
để lại và được người Phi cải biến thành những chiếc xe bus chở khách. Người Mỹ
đã ra đi nhưng họ còn để lại những chiếc Jeepney như một kỷ niệm sống động
trong nền văn hóa đa dạng của Phi Luật Tân.
“Jeepney”, nhãn hiệu xe chỉ thấy ở Phi Luật Tân
Tạp chí Asiaweek cho
rằng tiếng Anh ngày nay đã trở thành “một cầu nối giữa các cá nhân, công ty và
quốc gia tại châu Á trong thiên niên kỷ mới” [1]. Số đặc biệt trên Asiaweek cho rằng từ vị trí một kỹ năng
hữu dụng, tiếng Anh ngày nay đã trở thành “điều kiện tiên quyết” (prerequisite)
để người châu Á đạt được hai mục tiêu chính trong cuộc sống hàng ngày. Thứ nhất
là việc làm tốt nhất và kế đến là thu nhập cao nhất.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Giáo dục Najib Tun Razak, tiết lộ
với Asiaweek về mối quan tâm ngày
càng gia tăng của chính phủ qua nỗ lực nâng cao trình độ tiếng Anh trong hệ
thống giáo dục [2]. Ông cho rằng ngoài vai trò quan trọng trong các lãnh vực
kinh tế và ngoại giao, tiếng Anh còn giữ vai trò một ngôn ngữ hàng đầu trong
việc học tập vì hầu hết mọi sách giáo khoa đều viết bằng tiếng Anh trong khi
chính phủ không thể nào dịch hết được sang tiếng bản xứ.
Người Malaysia
nói thứ tiếng Anh mà họ gọi là Manglish (còn được gọi là Malglish hay Mangled
English). Tiếng Anh loại này gồm một số từ ngữ có nghĩa lạ với những người nói
tiếng Anh. Chẳng hạn như “OK lah” có
nghĩa là khá tốt, nhưng “not bad” lại
hàm ý rất tốt; “already” có ý là bây
giờ như trong câu “he’s fat already”. “Send”
lại có nghĩa là cho ai đó đi nhờ xe: “I send you home lah”. Muốn tìm hiểu thêm
về Manglish mời các bạn theo dõi câu chuyện qua điện thoại trong hí họa dưới
đây [3]:
Manglish
Joseph Wong Wing-ping, viên chức hàng đầu ngành giáo dục
Hồng Kông, lại đề cập đến vai trò của tiếng Anh trong công nghệ thông tin. Theo
ông, ngày nay có đến 80% các trang web trên Internet sử dụng tiếng Anh cho nên
việc thông thạo tiếng Anh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghệ
thông tin cũng như công nghệ vi tính.
Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Vốn là một thuộc địa cũ của
Anh, các thảo chương viên người Ấn thông thạo tiếng Anh đã dành được rất nhiều
hợp đồng giải quyết vấn đề Y2K [4] cho các khách hàng khắp thế giới. Ấn Độ là
nước đông dân thứ nhì thế giới sau Trung Quốc nhưng vẫn giữ tiếng Anh là ngôn
ngữ chính thức bên cạnh tiếng Hindu và 21 ngôn ngữ bản địa khác.
Hồng Kông xưa kia cũng là một thuộc địa của Anh nhưng trình
độ tiếng Anh của người dân tại đây lại không phải là một điều đáng tự hào.
Người Hồng Kông nói Chinglish, một loại tiếng Anh pha trộn giọng Quảng Đông
(Cantonese) nên đúng ra phải gọi tiếng Anh tại đây là Cantonese English.
Asiaweek cho rằng
có thể đánh giá một thành phố qua trình độ tiếng Anh của giới tài xế taxi. Tạp
chí đã đưa ra một đoạn đối thoại dưới đây giữa phóng viên Asiaweek và một người lái taxi tại Hồng Kông:
- Wan Chai, please
- Okay.
-
It is really hot to day, isn’t it?
- Wan Chai, I know.
-
Can you drive faster?
- Wan Chai, yes, yes.
-
Do you know what I’m saying?
- Sorry, ng sik gon yin men [I don’t speak
English].
- Amara Hotel please.
- Amara Hotel, yes, thank you.
- Do you always listen to this
radio channel?
- Morning from 7 a.m. to 10 a.m. I listen to Newstalk. Then listen to Radio
One.
- Do you know a lot about music?
- Wah, I driving every day. No music, I go crazy. I like English songs
some more. Chinese songs okay, lah.
Bác tài trong đối thoại trên đã dùng Singlish, đó là sự kết
hợp giữa tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và một số ngôn ngữ khác tại châu Á.
Ảnh hưởng của tiếng Hoa trong Singlish là điều dễ hiểu vì đảo quốc Singapore
vốn là cựu thuộc địa của Anh, người gốc Hoa chiếm đa số trong hơn 3 triệu cư
dân Singapore cộng thêm khoảng 700.000 người ngoại quốc
Một trong những lý do khiến Singlish trở nên khó hiểu đối
với người nước ngoài là cách diễn tả tiếng Anh theo cú pháp tiếng Hoa (Chinese
syntax). Ngoài ra, người ta phải chú ý đến thói quen dịch từng chữ những cụm từ
tiếng Hoa sang tiếng Anh nếu muốn hiểu Singlish.
Tôi đã từng nghe một người Singapore nói: “You see me no up”. Mãi sau mới hiểu hàm ý người nói trách móc vì
bị coi thường, nói theo tiếng Anh thuần túy là “You look down on ne”!
Thay vì hỏi “Where is
the toilet?”, Singlish dùng lối diễn tả theo kiểu người Hoa: “This place got toilet or not?”. Câu hỏi
mang tính cách “vòng vo Tam quốc” nhưng người nghe cũng có thể hiểu được. Thế
nhưng, khi nghe hai thanh niên Singapore
nói chuyện với nhau bằng Singlish chắc chắn người ta có cảm tưởng họ dùng một
thứ ngôn ngữ nào đó chứ không phải tiếng Anh.
Bạn không tài nào hiểu được câu Singlish “Woh, lau! Shiok, man!”. Hỏi ra mới biết đây là lời mô tả một cuộc
vui chơi đầy thú vị: “Wow, I had a great
time! That was really fun!”. Bạn sẽ hiểu sao khi nghe ai đó nói: “I catch no ball”? Đối với người Singapore ,
câu nói đó có hàm ý thật đơn giản: “I
don’t understand”.
Hơn ai hết, chính phủ Singapore biết Singlish là điều
không đáng tự hào khi người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là
những người thuộc thế hệ dưới 40 tuổi. Cũng vì thế, giữa tháng 5/2000 Singapore
đề ra phong trào “Nói tiếng Anh chuẩn”
(Speak Good English) với lời khuyên mọi người “Speak well - Be understood”, tạm dịch là hãy nói giỏi tiếng Anh và
nói sao để người ta hiểu mình.
“Speak Good English” Movement tại Singapore
Để hướng dẫn mọi người nói tiếng Anh chuẩn, chính phủ Singapore
phát hành một tập sách nhỏ liệt kê một số từ ngữ Singlish cần tránh. Chẳng hạn
như thay vì dùng “gostan” khi lùi
(de) xe, người dân được nhắc nhở dùng cụm từ “go astern” hay “reverse
vehicle”.
Một số tiếng lóng địa phương cũng được khuyến cáo cần thay
thế bằng tiếng Anh chuẩn. Chẳng hạn như “sabotage”
(phá hoại) trong tiếng Anh đã bị “Singapore hóa” thành “sabo” với hàm ý quậy, chơi xỏ trong khi “confused” (lúng túng, khó hiểu) lại bị thay thế bằng “blur” trong Singlish.
Trong một bản tin mang tiêu đề ngộ nghĩnh theo phong cách
Singlish “Campaign has Singapore asking:
‘Why cannot speak like dat, huh?” hãng thông tấn AFP trích dẫn phát biểu
của Thủ tướng Goh Chok Tong đại ý nói rằng việc sử dụng phổ biến Singlish sẽ
làm sói mòn những nỗ lực của Singapore trên bước đường trở thành một nền kinh
tế tầm cỡ thế giới đồng thời khiến người dân Singapore trở thành kém thông minh
hơn [5].
Thủ tướng Goh Chok Tong đả phá quan niệm cho rằng sử dụng
Singlish là điều tốt khiến cho người Singapore
mang nhiều bản sắc Singapore
hơn (speaking Singlish makes them more Singaporean)! Vấn đề đặt ra là rất khó
thay đổi vai trò của Singlish vì loại tiếng Anh này đã ăn sâu vào cuộc sống của
người Singapore .
Nhiều người thậm chí còn đổi tên phong trào “Speak Good English” thành “Speak
Good Singlish”.
Phong trào “Speak Good English”
đã bị nhiều người đổi tên thành “Speak Good Singlish”
Trên các kênh truyền hình tại Singapore có rất nhiều chương trình
giải trí “TV sitcom” [6] trong đó các nhân vật đối thoại bằng Singlish. Cũng vì
thế có ý kiến cho rằng nên duy trì Singlish trong lĩnh vực giải trí và văn học.
Một số các nhà giáo dục khuyên người Singapore cần
nắm vững những quy luật căn bản của tiếng Anh nhưng họ cũng chấp nhận tính linh
động của ngôn ngữ. Không thể nào kỳ vọng một thứ tiếng Anh chuẩn mực tại các
khu lao động hay những nơi ăn uống hàng rong (food hawker centres).
Xem ra thì việc sửa đổi một thói quen về ngôn ngữ không phải
là chuyện đơn giản. Vấn đề có thể được gói trọn trong một thắc mắc được diễn tả
theo Singlish: “So how, ah? Can or not? What, okay lah?”.
***
Chú thích:
[1] Nguyên văn bài viết trên Asiaweek, số ra ngày 30/7/99: “A
bridge for individuals, companies and countries in Asia
in the next millennium”
[2] Bộ trưởng Najib Tun Razak nói với Asiaweek: “There is a growing
concern within the government that we have to make a very consciuos effort to
improve proficiency in English throughout the educational system”.
[3] Nguyên văn câu chuyện bằng Manglish giữa người Malaysia với người Singapore :
“Ah Beng, wah your
garmen [government] say no tok [talk] Singlish enemor [anymore]. Ayo so poorting. Nemmain lah, nektime [next
time] you wan to tok Singlish, korme [call
me] on my henfon [hand phone]. We ken tok [can talk] Manglish wat. Manglish sofanotchet [so
far not yet] ban in Malaysia .
“Aiyah, donsaylikelet [don’t
say like that] lah. Enitime [anytime] you kor [call] i sure layang you wan [want].
No problum [problem]! We are frenli [friendly] nayber [neighbor] mah!”
[4] Y2K (Year 2000):
còn được gọi là lỗi thiên niên kỷ là trục
tặc về máy tính diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000. Nguyên nhân
là do các vi mạch đồng hồ điện tử không thể nhận biết được sự khác biệt giữa
các năm 2000 và 1900, vì được lập trình với 2 chữ số cuối cùng của năm. Vấn đề xảy
ra khi máy tính nhận dạng ngày 01/01/00 (ngày 1/1/2000) như là ngày 1/1/1900.
Nếu như không được sửa chữa kịp thời thì hệ thống làm việc
lâu dài sẽ bị phá vỡ khi “...97, 98, 99, 00...” tăng dần theo thứ tự và trở nên
không còn hợp lệ trong thứ tự năm, ví dụ như năm 19100. Ở các công ty và các tổ
chức trên toàn thế giới đã kiểm tra, sửa chữa, và nâng cấp hệ thống máy tính
của họ. Ngày nay, các máy tính đời mới đã khắc phục được sự cố Y2K.
[5] Nguyên văn lời phát biểu của Thủ tướng Goh Chok Tong với
AFP: “Widespread use of Singlish will
erode Singapore ’s
bid to become a world-class economy and make its citizens seem less
intelligent”.
[6] Sitcom là từ
viết tắt của “situation comedy”, tạm dịch là “hài kịch tình huống”. Làm phim
theo kiểu “sitcom” đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu vì nó cho phép
tiết kiệm kinh phí, tạo ra hàng trăm tập phim trong một thời gian ngắn, đáp ứng
nhu cầu phát sóng liên tục của các đài truyền hình.
Đây là kỹ thuật làm phim truyền hình được quay bằng nhiều
máy, thu tiếng trực tiếp tại phim trường, không phân cảnh trước và dựng phim
tại chỗ. Cứ vài tập phim chuyển tải một câu chuyện có tính độc lập với nhiều
tình tiết hài hước, tuy nhiên dàn diễn viên vẫn cố định suốt bộ phim.
(Còn tiếp)
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người, Chương 8: Thời mở cửa)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu
(từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên
thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh
niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân
ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo
(Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu
linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng
(những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa
(Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội
nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến
ngày xuống lỗ)!
Thật là kỳ công nghiên cứu.
Trả lờiXóa