Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Chân dung một blogger trẻ

Dịp 30/4/2014 tôi nhận được tin nhắn từ một blogger trẻ trên Facebook. Sau này, khi tìm hiểu thêm tôi mới biết message được viết từ Villa Aurora, mà theo lời của Trần Đông Đức trên blog RFA (http://www.rfa.org/vietnamese/blog/reprter-doan-trang-at-usc-04262014072132.html) mô tả:

“Villa Aurora sang trọng như là một tòa lâu đài, nơi hội tụ của những nghệ sỹ tài hoa trên thế giới. Họ tụ tập và giao lưu trong môi trường tuyệt vời nhất để trí tuệ và sự sáng tạo được thêm phần thăng hoa bay bổng”.

Trở lại với message từ một blogger người Việt mà tôi nhận được có nội dung riêng tư nên tôi đã tế nhị liên lạc với tác giả xin phép được đăng nguyên văn để bắt đầu câu chuyện về chân dung một blogger trẻ. Tác giả đồng ý và nguyên văn tin nhắn như sau:   

“Kính gửi chú Chính,

Xin giới thiệu với chú cháu là Đoan Trang, phóng viên của một số tờ báo ở Việt Nam (VnExpress, VNN, Pháp luật TP.HCM, v.v.) cho đến khi trở thành "nhà báo tự do" vào năm ngoái.

Qua một bài viết mới đây trên blog của chú và nhờ comment của một bạn đọc ở dưới, cháu mới biết chú là Nguyễn Ngọc Chính, tác giả của các bài dạy học tiếng Anh trên Kiến Thức Ngày Nay.

Chắc chú không hình dung được là những bài viết đó của chú có tác dụng lớn với cháu như thế nào. Nếu không có những bài đó, cháu sẽ... không sử dụng được tiếng Anh như bây giờ. Cho nên cháu rất mang ơn tác giả Nguyễn Ngọc Chính, và rất vui mừng khi biết được tác giả đó là chú.

Chú vui lòng add Facebook của cháu với ạ, để nếu có thể chú cháu mình trò chuyện thêm. Cháu cảm ơn chú nhiều - vì accept invitation của cháu và đặc biệt vì mục Học báo tiếng Anh năm xưa.

Cháu Trang”

Nguyên văn tin nhắn

Quả thật, tôi biết rất ít về Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, một “nhà báo tự do” đã rời bỏ hàng ngũ “nhà báo chính thống” để tranh đấu cho lý tưởng của mình. Trên trang Thông tấn xã Vàng Anh có ghi lại “Bản tường trình” của cô sau khi tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc sáng 5/8/2012 tại khu vực Bờ Hồ và bị bắt đưa về trại lưu trú Lộc Hà (http://www.ttxva.net/nha-bao-doan-trang-ban-tuong-trinh/):

“Khi viết những dòng dưới đây (và sau đó đánh máy lại rồi đưa lên mạng), tôi chỉ có một mong muốn duy nhất: Làm thế nào để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người được phổ biến hơn trong xã hội.

Tôi không muốn, rất không muốn nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị công an, dân phòng giằng giật, xô đẩy, thậm chí bẻ tay, bóp cổ. Không muốn những người biểu tình giận dữ gọi công an là “chó”, “súc sinh”, “ác quỷ”, “tay sai Trung Quốc”, v.v… Không muốn những người biểu tình bị bôi nhọ, bêu riếu trên phương tiện thông tin đại chúng, hay phải bước đi trên phố trước ánh mắt… căm thù hoặc rất thiếu thiện cảm, của một số người dân thủ đô.

Bên cạnh đó, tôi cũng không muốn nhìn thấy cảnh trời nắng nóng 39 độ C, anh công an trẻ tuổi gục mặt trên bàn, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, than thở với tôi: “Mệt mỏi lắm chị T. ơi!”. Bởi vì công an, an ninh đều là người Việt. Và chính quyền cũng được tạo nên từ những con người. Tôi không muốn có ai bị căm ghét, coi như súc vật.

Phải làm sao? Làm sao để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người trở thành những giá trị chung của xã hội này? Làm sao để không bao giờ còn chiến tuyến, còn sự đối đầu, chia cắt giữa người dân Việt Nam với nhau nữa?”

Trung tâm lưu trú Lộc Hà
(Ảnh của FB Anh Chí trên TTXVA.org)

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ đã chuyển sang những ứng dụng của Internet để bày tỏ quan điểm của mình qua trang blog về các vấn đề được coi là “nhạy cảm”, nhưng bên cạnh đó, có những bạn dùng Facebook, nói theo ngôn ngữ ngày nay, để “tự sướng” với những hình ảnh ăn chơi trên bàn nhậu hoặc “ném đá” lẫn nhau vì những chuyện vô bổ. Cũng vì thế tôi trả lời tin nhắn của Đoan Trang:   

“Chú rất mừng khi nhận được những dòng message của cháu vì nhiều lý do:

(1) Một phóng viên trẻ có đủ dũng khí để từ “lề phải” rẽ sang “lề trái”, hay ít ra cũng không theo lề nào! Trước mắt cho thấy con đường cháu đi được nhiều người ủng hộ và chú mong cháu giữ vững sự tự tin đó;

(2) Quả thật trước đây chú chỉ đọc rất ít những bài viết của cháu và về cháu nhưng bây giờ thì rất mừng được contact với cháu, “hậu sinh khả úy” là vậy;

(3) Chỉ mới hôm qua chú trả lời một bạn đọc trẻ trên Blogspot về mục HBTA trên KTNN ngày nào và cũng rất mừng qua đó chú cháu mình tìm thấy nhau sau một thời gian dài "gặp" nhau trên báo, “trái đất tròn nhưng thế giới lại phẳng” là vậy đó!

Ngay ngày hôm sau (4/5/2014), từ Villa Aurora, Nam California, Đoan Trang viết trên status của mình:

“Mình đang rất vui mừng vì 30/4 năm nay, qua một bài viết trên blog (bài "Tướng Nguyễn Ngọc Loan và bức ảnh hành quyết") được chị Ton Van Anh dẫn lại trên FB, mà mình tìm được blog của chú Nguyễn Ngọc Chính.

Có thể một số bạn trẻ thuộc đời 9x trở đi thấy cái tên này xa lạ, nhưng những bạn ở thế hệ mình và là độc giả của Kiến Thức Ngày Nay chắc khó mà quên cái tên Nguyễn Ngọc Chính, gắn với chuyên mục "Học báo tiếng Anh".

Để nói về chú Nguyen Chinh và chuyên mục này, hay nói về giá trị của "Học báo tiếng Anh", sẽ rất dài dòng. Thời của mình, những năm 1990, là thời mới mở cửa; đa số mọi người đều đang hoặc là chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh, hoặc là loay hoay với thứ tiếng của "tư bản giãy chết". Internet chưa phát triển, không có google; sách vở, tài liệu cũng có chút chút (in lậu), nhưng phương pháp thì không ai có và chắc chắn là tư liệu không thể bạt ngàn như "thời hội nhập" bây giờ. Mình nhớ láng máng năm 1994, cao thủ tiếng Anh hiện nay của chúng ta là Anh Gau Pham còn phải lọ mọ ra Hồ Gươm, Văn Miếu tìm Tây balo gạ nói chuyện, hòng nâng cao trình độ ngoại ngữ của anh ấy 

Nói chung việc học ngoại ngữ dưới mái trường XHCN rất là chán. Cho nên với những đứa như mình lúc ấy, chuyên mục "Học báo tiếng Anh" của Kiến Thức Ngày Nay giống như một sự gợi cảm hứng và giữ lửa vậy. Lần đầu tiên mình biết là báo chí phương Tây nó có những thông tin như thế, như thế, và cách diễn đạt của nó thật là hay. Lần đầu tiên mình nghe nói đến các khái niệm "thực phẩm biến đổi gene", "xung đột sắc tộc", "nỗi sợ không gian mạng", v.v. Năm 1999, Time có loạt bài về chân dung 100 nhân vật thế kỷ. Nhờ "Học báo tiếng Anh" mà lần đầu mình biết đến nhiều nhân vật trong 100 gương mặt này và quan tâm đến việc thế giới nghĩ gì về họ.

Nói chung là rất thú vị... mà trong khuôn khổ một status thì không nói hết được, nên chỉ xin tóm gọn lại là: Không có "Học báo tiếng Anh" thì không chắc mình đã có ý thức về việc học tiếng Anh và càng không bao giờ viết được bằng tiếng Anh.

Với tư cách một độc giả, mình muốn cảm ơn chú Nguyễn Ngọc Chính của "Học báo tiếng Anh" nhiều nhiều. Cũng nói thêm là, mình cảm ơn cả mục "ABC Kinh tế" của tác giả Đức Minh (mà sau này mình mới biết là nhà báo Trần Trọng Thức), và "Chuyện Đông Chuyện Tây" của bác An Chi. "ABC Kinh tế" làm cho mình thích kinh tế học, và "Chuyện Đông Chuyện Tây" thì khiến mình hiểu rằng sự tỉ mỉ, cẩn thận, trách nhiệm trong nghiên cứu và truyền thông cần thiết đến mức nào...”

“Học Báo Tiếng Anh”

Ngày xa xưa, Kiến Thức Ngày Nay là một bán nguyệt san (sau này tăng một tháng 3 kỳ), với phương châm “Hãy luôn làm giàu kiến thức của bạn”. Tờ báo có kích cỡ như Reader’s Digest của Mỹ hoặc Phổ Thông của Nguyễn Vỹ trước năm 1975 tại Sài Gòn.

“Chuyện Đông Chuyện Tây”

Ngoài những chuyên mục như Học Báo Tiếng Anh, “Chuyện Đông Chuyện Tây”, “ABC Kinh Tế” còn có những mục như “Sức Khỏe Của Bạn” (Bác sĩ Dương Minh Hoàng), “Giải Đáp Pháp Luật” (Luật sư Trương Thị Hòa) và trang hí họa “Thế Giới Dưới Mắt Chóe”. 

Thế Giới Dưới Mắt Chóe

Trở lại với chuyện tranh đấu của Đoan Trang. Tôi đã bỏ ra mấy ngày để tìm hiểu về những bài viết của cô và những bài người khác viết về cô trên mạng. Phải nói là khen cũng nhiều nhưng chê cũng không ít. Khen hay chê còn tùy theo chính kiến của người đọc nhưng quan trọng hơn cả là thái độ dám chấp bút của một phóng viên trẻ về những vấn đề “gai góc” của Việt Nam.

Tôi không nói đến chuyện khen nhưng lại chú ý những đến lời chê bai như Đông La trong bài viết “Đoan Trang – Tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ” (http://donglasg.blogspot.com/2013/09/oan-trang-tuoi-nho-nhung-sai-lam-khong.html) với lời mở đầu khá gay gắt: “…thấy con bé Đoan Trang nó lại đi quậy khắp nơi nhân cuộc điều trần về báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) của Việt Nam vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ…”

Với phần “Giới thiệu bản thân” ngay bên trái bài viết, người đọc hiểu ngay chính kiến của Đông La: “Giải thưởng Lý luận Phê bình 2013 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng cuộc thi thơ Hội Nhà Văn TPHCM 1986. Tặng thưởng thơ TC Văn nghệ Quân đội 1998. Tặng thưởng phê bình TC Văn nghệ Quân đội 1997. Giải A sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TPHCM 1993”.

Qua bài viết này, người đọc hiểu rõ hơn về chính kiến của Đông La: “Trong văn bản mạo danh, thậm xưng, ngoa ngôn của một nhóm viết bậy mà dám xưng là Việt Nam: “Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam”, chủ trò là Đoan Trang, người từng có tiền sự khi làm ở VietNamNet, có viết: “…chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam và Hội Đồng Nhân Quyền xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 – “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.     

Đông La còn nhắc đến Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.

Kèm sau đó là nguyên văn tiếng Anh: “Article 19: Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers”.

Đông La giải thích thêm: “Chữ “right” theo từ điển Anh – Việt mà những người soạn từ điển ở ta dịch ra có nhiều nghĩa, trong đó có: (1) lẽ phải, đúng, có lý và (2) quyền. Như vậy chữ “quyền” ở đây không có nghĩa là quyền lực như “power”, quyền hạn như “jurisdiction” mà chỉ tính chất đúng đắn của các hành động. Vì thế “Everyone has the right to freedom of opinion and expression” sẽ có 2 cách dịch theo kiểu Việt hóa cho xuôi tai:

1- Mọi người có quyền tự do ý kiến và biểu đạt.
2- Mọi người đúng (có lý) khi tự do ý kiến và biểu đạt. [Theo tôi, câu này dù viết bằng tiếng Việt nhưng lại rất tối nghĩa hay là tôi tối dạ nên không hiểu ý của tác giả!]  

Hai cách diễn đạt khác nhau nhưng bản chất là đồng nghĩa. Nhưng về mức độ rõ ràng là khác nhau. Một điều đúng có thể làm khác với việc có quyền làm điều đó” [??? !!!].

Cuối cùng, Đông La nêu ra ý kiến: “Vì thế Điều 19 nên dịch chính xác hơn là: Mọi người đúng khi tự do ý kiến và biểu đạt; điều đúng đắn này bao gồm tự do giữ ý kiến mà không có sự can thiệp, tự do tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông và bất kể biên giới”.

Như vậy, nếu theo Đông La, hóa ra là người Pháp cũng hiểu sai khi họ dịch: “Tout individu a droit à la liberté d'opinion et d'expression...”. Không biết người Pháp hiểu sai hay là Đông La đã “Việt-hóa” chữ “right” quá thiển cận theo cách của ông?

Trang blog của Đông La

Thế mạnh của Đoan Trang là khả năng viết bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Cho đến hôm nay (7/5/2014) trên blog của cô (http://www.phamdoantrang.com/) đã có 40 bài viết tiếng Anh, một con số khá khiêm tốn nhưng đối với một người Việt đây là một thành tích đáng hoan nghênh trong tình hình giới truyền thông nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Một trong những lý do Đoan Trang được University of South California tài trợ để ở lại làm công việc nghiên cứu thêm 10 tháng tại Hoa Kỳ là khả năng diễn đạt khá lưu loát bằng tiếng Anh của cô. Hơn nữa, một trong những điều kiện đầu tiên các đại học Mỹ chọn ứng viên làm fellowship, một hình thức nghiên cứu, là khả năng viết và nói tiếng Anh có trình độ như Đoan Trang.

Văn phong tiếng Anh của cô hình như đã được “cập-nhật-hóa” như trong một bài viết gần đây nhất: “The recent arrest of the Basam web site founder highlights how one penal code provision, Article 258, can be stretched by the ruling Communist Party of Vietnam to take away anyone’s freedom at any time for doing anything that’s not state-sanctioned”. Tôi nghĩ, một phóng viên Anh hay Mỹ cũng sẽ chỉ viết đến như vậy nhưng chưa chắc họ có sáng tạo trong nghệ thuật dùng chữ như “… to take away anyone’s freedom at any time for doing anything…” 

Văn phong tiếng Việt của Đoan Trang lại có khi.. “tưng tửng” như giọng điệu của người “điên” mà người miền Bắc gọi là “hâm”. Tôi thích bài viết ngắn mà thâm thúy dưới đây trong số hàng loạt bài thuộc loại chính luận nghiêm chỉnh:

“Chuyện chú Ba

Theo chỗ nhà cháu được biết thì trong đời thường, chú Ba là một người cha tuyệt vời. Chú thương yêu ba em vô cùng, phải nói là hiếm có người cha nào thương con như vậy, đến nỗi dù lương tháng chỉ mười mấy triệu, chú cũng cùng dì ráng hết sức để chăm lo các em, đưa các em ra nước ngoài ăn học cho bằng bạn bằng bè. Thiên hạ có đứa xấu mồm bảo chú tham nhũng; nhà cháu thì chỉ thấy chú thương con mới làm thế: sẵn sàng hy sinh cả danh dự, chấp nhận tiếng xấu "gia đình trị" để lo lắng cho sự nghiệp của con.

Ai từng có cơ hội làm việc cùng chú cũng đều dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về chú: đẹp trai, thông minh, năng động, phải nói là tài năng. Chú có thể đọc diễn văn một mạch 45 phút không cần cầm giấy. Chú có thể nói chính xác diện tích quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phần đảo nào đang do quân đội nước nào nắm giữ. Chú còn là người quyết đoán, dám nghĩ, dám làm: Một tay chú xoay xở nuôi nấng, bảo lãnh cả VinaShin, phát triển rồi cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế.

Nhưng mà anh em người ta quý chú nhất ở cái nghĩa, cái tình của chú. Chú Ba cháu là người rất trọng ân nghĩa. Ai đã làm gì cho chú thì chú nhớ suốt đời, và không chỉ nhớ suông, chú còn đền đáp người ta xứng đáng, quyết không bao giờ để ai bị thiệt, nhất là khi người ta lại vì chú mà bị thiệt thì chú không thể nào chấp nhận. Nên dù ở địa phương hay ở trung ương, ở Kiên Giang hay Hải Phòng, Hà Nội hay TP.HCM, chú đều được người người thương mến, quý trọng. Bạn học, đồng đội cũ quý chú đã đành, mà các đồng chí của chú bây giờ cũng “mê anh Ba” lắm. Họ bảo ở chú vừa có “dũng”, vừa có “trí”, lại vừa có chữ “nhân” - mấy năm làm lãnh đạo, chú chưa từng kỷ luật ai.

Mai sau này, nhỡ có lúc nào chẳng may chú bị sa cơ lỡ vận, thằng khốn nào chỉ điểm đẩy chú ra tòa, chắc là ai cũng thương chú. Lúc ấy thể nào báo chí cũng viết về nụ cười của chú, về cái bắt tay ấm áp của chú, về chiếc cravat đỏ tuyệt đẹp của chú. Một con người hào hiệp, chí nghĩa, chí tình là thế... Có khi nhà cháu lưu vài bài báo lại làm mẫu, sau này chỉ việc chỉnh sửa vài từ, thay tên nhân vật là đăng được. Kiểu như là “Vẫn còn là anh Ba”, “18 năm sau, còn ai nhớ đến anh Ba”, hoặc chơi hẳn thế này cho máu:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, thiên hạ ai người khóc chú Ba?”.

Đoan Trang (giữa) và Group 258
(Ảnh trên Blog Đoan Trang)

Mảng bài viết về Truyền thông có những tài liệu rất bổ ích về “Lịch sử blog Việt” viết cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Khởi đầu từ “Thời hoàng kim” của Talawas (một trang mạng được thành lập năm 2001, người sáng lập là nhà văn Phạm Thị Hoài) và những diễn biến được cập nhật đến năm 2013. Cũng trong mảng truyền thông tôi rất tâm đắc với bài “Giọt nước mắt của lề phải” với những đoạn mở đầu như sau:

“Trong suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành, qua phản ánh của phim ảnh, nghề báo đẹp như được phủ một lớp hào quang.

Nhà báo được tiếp xúc với số lượng người cực lớn, trong đó có nhiều quan chức cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà báo có thể “dồn” một ông cốp tới lúc phải đắng họng, có thể vạch trần những âm mưu xấu xa, có thể bá vai bá cổ một nhà văn chụp ảnh, hay ôm hoa đứng bên các nghệ sĩ. Nhà báo có xu hướng là người quảng giao, rất hiểu biết, nói chuyện hay ho, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết đủ ngóc ngách của xã hội. Nhà báo có xu hướng thông minh, hài hước, dũng cảm, biết chụp ảnh. Nghề báo là nghề đầy vinh quang và có cả sự phiêu lưu mạo hiểm…

Đó là suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành về nghề báo và nhà báo. Tất nhiên, không phải 100% ý kiến đánh giá đều như vậy. Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ nhà báo Việt Nam là cái lũ đầu rỗng, nỏ mồm chém gió và nói phét, đã thế lại đểu, chỉ giỏi vặt tiền doanh nghiệp, nói tục chửi bậy kinh khiếp mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi.

Người ta cũng có thể nghĩ nhà báo Việt Nam là một lũ cừu, cứ sểnh ra là viết sai, viết láo, viết không có lợi cho tình hình chung, làm phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia nào đó.

Người ta còn nghĩ nhà báo Việt Nam là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Không đếm được có bao nhiêu lời mạt sát “lề phải” trên mạng: “não nhẵn”, “óc phẳng”, “hèn hạ”, “ngu xuẩn”, “vô lương tâm”…

Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ “đàn cừu”), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả.

Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ - vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm…”  

Ở một đoạn khác trong bài, người đọc mới cảm nhận cụ thể thế nào là “Giọt nước mắt của lề phải”:

Chiều 2/8/2011. Ngày ấy, ở Hà Nội diễn ra hai sự kiện: phiên xử phúc thẩm TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, với nội dung thông báo kết quả điều tra vụ “đạp mặt người biểu tình”.

Cảm giác “lạnh người” khi nghe tin ấy: Bộ Công an tổ chức họp báo ngay tại Thành ủy Hà Nội (giữa trung tâm thủ đô) để thông báo kết quả điều tra, và trước đó, tin đồn ít nhiều rằng đã có những cuộc tiếp xúc, điều đình giữa công an và người biểu tình bị đạp mặt – anh Nguyễn Chí Đức. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có lý gì mà công an tự tin đến thế. Chắc là sẽ có một diễn biến gì đó…

3 giờ chiều, từ ngoài đường, tôi gọi điện cho bạn (vừa ở cuộc họp báo ra):

- Tình hình sao rồi mày?

- Xong rồi. Họ bảo tay Đức chống đối, ngồi bệt xuống đất, nên công an phải khiêng lên xe đưa về đồn. Ông Đức cũng bảo không bị ai đánh, viết tường trình nói rõ thế rồi.

- Còn cái clip kia?

- Không xác định được có phải là giả không.

- Thế bây giờ mày định…?

- Thì về viết bài, có thế nào viết như thế chứ còn định gì. So what? (thế thì sao)

- So what cái cục cứt! – chưa bao giờ tôi thô lỗ như thế trên điện thoại di động. – Mày định thế nào? Mày muốn cứ thế mà tương vào bài à? Mày không hỏi Chí Đức lấy một câu à?

- Mày muốn gì? Có giỏi thì mày viết đi, viết xem có đăng được không?

Hai người chửi nhau một trận nảy lửa trên điện thoại.

Nguyễn Chí Đức

Như trên đã nói, Đoan Trang hiện đang ở Mỹ sau khi đã cùng hai bạn trẻ Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn đến Geneva (Thụy Sĩ). Cô may mắn được University of Southern California tại Los Angeles mời ở lại để tiếp tục công trình nghiên cứu về nhân quyền từ tháng 4 đến tháng 12/2014 theo chương trình Feuchtwanger Fellowship.

Chương trình này mỗi năm chỉ chọn một nhà báo hay nhà văn hoạt động trong lãnh vực nhân quyền trên khắp thế giới. Trước Đoan Trang đã có một số người thuộc các quốc tịch khác nhau như Nigeria, Miến Điện, Pakistan, Algeria, Congo, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Trung Quốc. 

Những “Feuchtwanger Fellows” đều được mời về Villa Aurora, một tại Los Angeles (Mỹ) và một tại Berlin (Đức). Villa Aurora còn được gọi là nơi hội tụ các nghệ sĩ và trí thức của thế giới được thành lập từ thời Đức Quốc Xã để tiếp nhận những nạn nhân của Hitler. Kể từ năm 1995, Villa Aurora LA đã là nơi nghiên cứu của khoảng 250 khách mời và Đoan Trang là khách mới nhất trong danh sách:

Vị khách mới nhất của Villa Aurora là người Việt Nam
với thời gian lưu trú từ tháng 4 đến tháng 12/2014

Đoan Trang cho biết trong thời gian ở tại Villa Aurora cô sẽ viết một cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật làm báo căn bản và cùng hai bạn Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn viết một cuốn sách về các quyền có liên quan đến đất đai (land rights).

Có hai người cùng là nhà báo, ra đi từ Việt Nam – Huy Đức và Đoan Trang – đều đã đến Mỹ và đã tạo được tiếng vang không nhỏ khi họ nhận được sự tài trợ của các tổ chức tư nhân tại đây. Điều quan trọng là cả hai đã khẳng định họ sẽ trở về Việt Nam và Huy Đức đã về. Trước mắt, ngày hồi hương của Đoan Trang hứa hẹn vô vàn rắc rối cho nên nếu cô trở về chúng ta lại có thêm một điều để khâm phục. Hiện nay thì mọi người chỉ biết… wait and see.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 


Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

2 nhận xét:

  1. Một việc làm nghiêm túc, thể hiện một tấm lòng, một suy nghĩ đậm tính nhân văn rất đáng trân trọng và khâm phục. Đoan Trang xứng đáng được anh dành cho những tình cảm khách quan và ngợi khen qua bài viết này. Cám ơn anh Chính. HN

    Trả lờiXóa
  2. Chờ xem Đoan Trang viết gì trong những ngày sắp tới.

    Trả lờiXóa

Popular posts