Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (15): Gấu túi Kaola và chuột túi Wallaby


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 4/4/2013

Rời Churchill Island chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên đảo Phillip để đến lãnh địa của loài “gấu túi” koala mà chỉ ở Úc mới có. Tuy nhiên, trên đường đến đó chúng tôi đi ngang qua National Vietnam Veterans Museum nhưng không ghé vào vì thì giờ có hạn.

Viện bảo tàng quốc gia về cựu chiến binh tại Việt Nam gợi nhớ đến tiểu đoàn 3 nhảy dù Úc tham chiến tại Việt Nam qua hai đợt. Lần đầu vào năm 1967-1968 tại Phước Tuy và lần thứ hai năm 1971. Trong năm 1968, tiểu đoàn 3 đánh bật được lực lượng cấp trung đoàn của VC qua trận đánh tại xã Long Tân. Lính Úc có 18 người tử trận, 24 bị thương trong khi VC chịu tổn thất 80 người.


Chúng tôi còn đi ngang qua đường đua Grand Prix của Phillip Island nhưng không ghé vào vì không nằm trong chương trình đã tính toán từ lúc còn ở nhà. Cũng xin nói thêm, đây là đường đua xe đầu tiên của Úc, được xây dựng từ năm 1928, hiện nay có độ dài 10,6 km với 4 khúc cua ngặt là một thử thách lớn với các tay đua thế giới.

Tại đây có các giải đua Super Bike, V8 Super Car và F3 World Championship chuyên nghiệp. Thường thường giải Yamaha Super Bike World Championship được tổ chức hàng năm vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 với các tay đua hàng đầu thế giới như Michael Dohan và Valentino Rossi. Trong các ngày không thi đấu, du khách có thể chạy thử trên đường đua này nhưng phải mua vé. 
Phillip Island Grand Prix Circuit

Koala, hay “gấu túi”, là một loại thú chỉ ăn lá cây bạc hà (còn gọi là cây khuynh diệp vì có mùi dầu gió khuynh diệp) và sống quanh quẩn từ lúc ăn cho đến lúc ngủ đều ở trên cây. Koala sống ở vùng ven biển phía Đông nước Úc, từ Adelaide đến bán đảo Cape York, và một số nơi có lượng mưa đủ lớn để có rừng cây. Ở phía Nam Úc, koala đã bị gần như tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20, nhưng sau đó tiểu bang Victoria đã nỗ lực bảo tồn loài thú hiếm này.

Koala cái mỗi năm đẻ một con trong vòng 12 năm với chu kỳ mang thai 35 ngày. Con đực và cái thường giao phối trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3, tương ứng với mùa hè tại Nam Bán Cầu.

Koala mới sinh không có lông, chưa mở mắt, chưa có tai và chỉ bé bằng nắm tay. Khi mới lọt lòng, kaola trèo lên cái túi lộn ngược của mẹ, túi này có thể đóng mở theo ý muốn của koala mẹ, Kaola con bám vào một trong hai núm vú của mẹ. Koala ở trong túi của mẹ trong khoảng 6 tháng đầu tiên và chỉ bú sữa.

Trong thời gian này, kaola bắt đầu phát triển tai, mắt và lông để có thể đi ra ngoài túi của mẹ. Khoảng 30 tuần tuổi, nó bắt đầu ăn thức ăn sền sệt gọi là "pap" do koala mẹ tiết ra. Koala con tiếp tục ở với mẹ khoảng 6 tháng, trèo trên lưng mẹ, bú sữa và ăn lá cây.

Sau 12 tháng ở với mẹ, koala cái tự đi kiếm ăn ở vùng xung quanh; trong khi koala đực tiếp tục ở với mẹ tới tận 2 đến 3 tuổi. Hiện nay số kaola chỉ còn chừng 50 con được bảo tồn tại Kaola Conservation Centre trên đảo Phillip.

Kaola Conservation Centre

Khác với những sở thú ta thường thấy ở khắp nơi trên thế giới, Trung tâm Bảo tồn Kaola trên đảo Phillip thiết kế những lối đi tựa như những cây cầu gỗ được nâng cao gần các cây bạc hà để khách có thể quan sát. Từ đây, người ta có thể tìm kaola nằm ngủ trên những cành cây và chụp hình.

Boardwalk dành cho khách xem kaola

Những lối đi bằng ván, được gọi là “boardwalk”, cũng là một hình thức giới hạn sự đi lại của khách đến thăm, không gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của kaola trong rừng cây khuynh diệp. Ngoài ra còn rất nhiều bảng nhắc nhở mọi người giữ yên lặng, điều này cho thấy người Úc đã làm hết sức để bảo tồn một loài thú quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bảng hướng dẫn trong Kaola Conservation Center

Tìm được kaola trên cây đã là một "công trình" đòi hỏi sự kiên nhẫn của du khách nhưng chụp được hình kaola lại càng khó hơn. Sinh vật nhỏ bé này có bộ lông màu xám thường che dấu giữa đám lá cây khuynh diệp, hơn nữa, máy ảnh cần phải zoom tối đa mới có được những bức ảnh vừa ý. Đó là chưa kể cần phải có "duyên may" gặp kaola trong những tư thế được gọi là... “ăn ảnh”.




Rất hiếm khi gặp được kaola thức. Từ lúc bước lên boardwalk tôi chỉ toàn chụp hình kaola ngủ trên cây, nản quá định bỏ đi thì một chú kaola xuất hiện trên cành cây sát với lối đi, chắc chú vừa ngủ dậy. Và đây là bức ảnh tôi có "duyên may" chụp được một chú kaola ở khoảng cách gần nhất và vị trí cũng đặc biệt nhất:


 Đi dọc theo boardwalk không những phải hướng tầm nhìn lên cây để tìm kaola mà đôi lúc còn phải nhìn xuống dưới tìm rắn và nhím. Tôi chưa thấy con rắn nào nhưng có chụp được hình một chú nhím:


Sau khi lang thang trong khu “kaola boardwalk” có rào chắn, chúng tôi đi dọc theo “woodland boardwalk” là những con đường nhỏ trong rừng cây bạc hà để khám phá thật gần những sinh vật sống tại đây.

Người ta chỉ nghe nhiều về “chuột túi” của Úc nhưng lại không phân biệt được giữa kangaroo và wallaby. Chúng có điểm chung nhất là… có túi trước bụng nhưng lại khác nhau về kích thước: kangaroo lớn hơn wallaby rất nhiều. Kangaroo có đôi chân to, dài trông rất mất cân đối vớ hai chân trước và thân hình.

Khoảng cách ống chân dài là để thích nghi với địa hình thông thoáng như giữa sa mạc, trong khi đó, wallaby có đôi chân nhỏ gọn hơn để di chuyển nhanh nhẹn trong rừng. Một con wallaby nặng tối đa khoảng 20kg trong khi kangaroo có thể nặng đến 90kg.

Màu bộ lông bên ngoài cũng giúp ta phân biệt giữa hai loài thú tương cận: wallaby có bộ lông xám, màu sáng hơn kangaroo. Tỉ mỉ hơn nữa, bộ răng của chúng cũng khác nhau. Răng của wallaby mọc bằng phẳng để nhai lá cây còn kangaroo bó bộ răng hơi cong được dùng để nhai cỏ.

Ngay bên lề đường boardwalk tôi đã gặp 4 con wallaby, chúng rất dạn dĩ, thậm chí còn dương mắt nhìn thẳng vào ống kính. Hình như chúng đã quá quen thuộc với cảnh du khách chụp hình.

Đây là Wallaby chứ không phải kangaroo

Ở đây tìm mãi cũng không thấy bóng dáng chú kangaroo nào. Nhưng không sao, kangaroo thì rất nhiều ở xứ “Con-Gà-Rù” còn wallaby họa hoằn mới được thấy. Người ta chỉ thấy chúng ở những nơi như Trung tâm Bảo tồn Kaola này.

Wallaby: Chân dung chụp ngang

Một bài học thú vị về những giống thú đặc biệt chỉ có ở nước Úc. Nhưng chưa hết, chúng ta sẽ còn khám phá thêm một loài nữa ở Phillip Island, loài thú duy nhất trên thế giới… ở bài du ký tiếp theo.

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

1 nhận xét:

  1. Dù cũng thường xem phim về con Kangaroo với những bước phóng xa ở ống kính, nhưng nếu ở đây chỉ xem hình mà không đọc bài nghiên cứu kỹ lưỡng này của anh, thì tôi cũng sẽ nghĩ đây là con Kangaroo đó anh Chính ạ. Những bức hình chụp đủ cả ánh nắng nhìn rất sinh động và đẹp, nhất là hình chú kaola ngửng cao đầu chụp gần, nhìn hay quá.

    Trả lờiXóa

Popular posts