Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Jane Fonda và cuộc Chiến tranh Việt Nam

Jane Fonda (1), ngày nay đã bước vào tuổi 76 nhưng vẫn còn đủ sức khuấy động giới truyền thông quốc tế với tin bà sẽ được vinh danh là một trong "100 người Đàn bà của Thế kỷ". Chỉ riêng trong đầu tháng 5/2013 đã 3 lần Jane Fonda nói về cuốn cuốn sách của bà, Jane Fonda: My Life So Far.

Năm 2005 Jane Fonda đã viết một cuốn hồi ký dài hơn 600 trang trong đó bày tỏ sự “hối hận” đã đến Hà Nội trong 2 tuần lễ vào tháng 7/1972 khi cuộc chiến leo thang với các cuộc oanh kích của không lực Mỹ ngay tại miền Bắc. Đó là lần đầu tiên Jane Fonda chính thức xin lỗi người Mỹ và nước Mỹ về những bức ảnh chụp bên các khẩu cao xạ của Bắc Việt. 

Báo chí lại còn lùm xùm về vụ Jane Fonda đóng vai Nancy Reagan, vợ Tổng thống Ronald Reagan, trong phim The Butler (Người quản gia) năm 2012. Một chiến dịch tẩy chay phim này đã khuấy động dân cư mạng, nhất là những cựu chiến binh trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Họ không tán thành việc “kẻ phản bội tổ quốc” lại thủ vai đệ nhất phu nhân của Tổng thống Hoa Kỳ.

Gần đây nhất, một lần nữa Jane Fonda lại lên tiếng xin lỗi về những hoạt động phản chiến trong chuyến đi Hà Nội năm 1972. Bức ảnh bà chụp chung với bộ đội phòng không Bắc Việt trên mâm pháo đã được nhiều cựu binh Mỹ đặt một cái tên mỉa mai là “Hanoi Jane”.

“Hanoi Jane” bên khẩu cao xạ phòng không
(Ảnh Associated Press)

Phát biểu trong chương trình truyền hình của Ophrah Winfrey, Jane Fonda tuyên bố: “Tôi phạm một sai lầm không thể nào tha thứ khi đến Bắc Việt và tôi sẽ mang theo lỗi lầm đó đi xuống mồ.” Jane Fonda nói rằng khi đó bà nhận biết ngay tức khắc là đã phạm sai lầm và sau này bà đã nhiều lần xin lỗi trước công chúng (2).

Theo lời Jane Fonda kể lại, những tấm hình được chụp vào ngày cuối cùng tại Hà Nội. Bà cho biết khi đó đã thấm mệt và thật lòng không muốn đến thăm một địa điểm đặt súng phòng không của Bắc Việt dùng để bắn máy bay Mỹ. Bà nói:

"Hình ảnh Jane Fonda, Barbarella, con gái của Henry Fonda (3)... ngồi trên súng cao xạ của đối phương là một sự phản bội. Hành động này là sự thiếu suy xét nhất mà tôi có thể tưởng tượng… Tôi không biết là có bị người ta dàn cảnh hay không nhưng khi đó tôi đã trưởng thành. Tôi nhận lãnh mọi trách nhiệm về những hành động của mình.”

Tuy vậy, Fomda không hối tiếc khi đã thăm Hà Nội cũng như chụp hình chung với các tù binh Mỹ tại đó, "Có hàng trăm đoàn Mỹ đã gặp các tù binh chiến tranh [POW]. Cả hai phía đều dùng vấn đề POW làm tuyên truyền. Đây không phải là điều mà tôi phải xin lỗi."

Khi trả lời phỏng vấn của Lesley Stahl trong “Chương trình 60 phút” của kênh truyền hình CBS, Jane đã cũng đã nói: “Tôi sẽ ân hận về điều này cho đến tận ngày xuống mồ… Đó là một hành động thiếu suy nghĩ nhất mà tôi có thể tưởng tượng. Tôi không quay lưng lại với xứ sở này. Tôi hết sức quan tâm đến những người lính Mỹ”.

Jane tươi cười tại Hà Nội

Barbara Walters, phóng viên truyền hình ABC, không nghĩ Jane Fonda hết sức quan tâm đến những người lính Mỹ”. Bà viết trong một email gửi đi khắp nước Mỹ từ năm 1999 về trường hợp của Đại tá Larry Carrigan với 6 năm tù ở “Hilton Hà Nội”, trong đó ba năm đầu gia đình ông chỉ biết ông bị “mất tích trong công vụ” (Missing in action – MIA).

Theo lời Barbara kể, nhóm của Đại tá Larry Carrigan được gặp “ủy ban hòa bình” nên họ có thì giờ để nghĩ ra một kế hoạch cho thế giới biết họ vẫn còn sống. Từng người giấu kín một mẫu giấy trong lòng bàn tay có ghi Số An sinh Xã hội (Social Security number) của mình trong đó.

Khi diễu qua trước Jane Fonda và một người quay phim, cô bắt tay từng người và hỏi những câu như “Ông có hối tiếc chuyện ném bom trẻ nít không?” hoặc “Ông có nhớ ơn cách đối xử nhân đạo nhận được từ những người nhân từ bắt giữ ông không?”.

Barbara viết: “Tin rằng đó chỉ là những lời đóng kịch của Jane Fonda, tù binh Mỹ đưa vào lòng bàn tay cô mẩu giấy của họ. Cô ta nhận hết chẳng bỏ sót ai.... Đến cuối hàng và một khi máy ngưng quay, trước cú sốc không tin được của các tù binh, cô quay sang viên sĩ quan chỉ huy và đưa cho hắn tất cả các mẩu giấy.... Ba người chết vì bị đánh đập bởi lí do đó. Đại tá Carrigan suýt là người thứ tư nhưng ông đã sống sót, đó là nguyên do duy nhất chúng ta biết đến hành động của cô ta vào ngày đó”.

Về chi tiết này, Mike McGrath, cựu phi công và cũng là một cựu tù chiến tranh của Hà Nội lên tiếng “thanh minh” cho Jane Fonda trên tờ Star Tribune, ngày 25/5/2005, rằng không hề có việc bị đánh đến chết sau cuộc thăm viếng của Jane Fonda.

Mike McGrath, sau này là sử gia của nhóm Cựu quân nhân Tù binh tại Việt Nam (NAM-POWs) nói: “Carrigan đã 64 tuổi và ông đã lập lại không biết bao nhiêu lần không hề có những vụ đánh đập đến chết sau khi gặp Jane Fonda. Ông ấy nói là sẽ không bao giờ tiếp xúc với giới truyền thông nữa”.

Không bênh vực cho Jane Fonda nhưng nhiều người cho rằng chi tiết về 3 tù binh bị đánh đập đến chết của Barbara Walters có phần nào “thêu dệt” vì Hà Nội không “dại” gì làm như vậy. Họ sợ dư luận quốc tế, có chăng chỉ là những hình thức kỷ luật đối với tù binh như ta thuờng thấy trong các trại cải tạo.

Barbara Walters (2011)

Ngày cuối cùng tại Hà Nội, Jane Fonda tuyên bố trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam (4) với những lời khởi đầu: “Đây là Jane Fonda. Trong suốt hai tuần lễ của cuộc viếng thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi đã có dịp đến nhiều nơi, nói chuyện với nhiều người thuộc đủ các ngành nghề - công nhân, nông dân, học sinh, nghệ sĩ và vũ công, nhà sử học, nhà báo, diễn viên điện ảnh, bộ đội, nữ dân quân, hội phụ nữ, nhà văn…”    

Jane Fonda kể lại đã đến thăm hợp tác xã, nhà máy dệt và trường mẫu giáo. Thăm Văn Miếu để xem các điệu múa dân tộc và nghe nhạc kháng chiến. Thưởng thức một màn múa ballet về hoạt cảnh quân du kích miền Nam huấn luyện ong để tấn công kẻ địch, những con ong do chính các vũ công trình diễn. 

Cũng tại Văn Miếu, Jane Fonda được xem nam nữ diễn viên trình diễn Hồi 2 vở kịch All My Son của Arthur Miller. Jane Fonda bày tỏ “sự xúc động sâu sắc khi các diễn viên người Việt trình diễn kịch Mỹ tại đây trong khi tư bản Mỹ thả bom đất nước của họ”. 
  
Jane Fonda nói sẽ không bao giờ quên những cô dân quân tự vệ trên nóc nhà máy cất tiếng hát ca tụng bầu trời xanh. Họ rất yểu điệu, thơ mộng nhưng cũng rất dũng cảm khi máy bay Mỹ tập kích thành phố. Jane Fonda nhớ mãi lần từ Nam Định về Hà Nội đã phải xuống hầm tránh bom cùng một bé gái khi máy bay Mỹ “tấn công các mục tiêu dân sự” như trường học, bệnh viện, chùa chiền, nhà máy, nhà cửa và hệ thống đê điều.   

Cô nói trên đài phát thanh Hà Nội: “Nixon tuyên bố với người dân Mỹ là ông ấy đang đi đến kết thúc cuộc chiến nhưng những đổ nát trên đường phố Nam Định là tiếng vọng của một tên sát nhân nhan hiểm… Chiến tranh dù xảy ra tại Việt Nam nhưng thảm kịch chính là ở nước Mỹ.

Khi chưa đến miền Bắc tôi còn hồ nghi, nhưng một khi đã đến Hà Nội tôi mới hiểu rằng Nixon sẽ không bao giờ hủy hoại nổi tinh thần của người dân tại đây, Nixon sẽ không bao giờ có thể biến Việt Nam, cả miền Bắc lẫn miền Nam, thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ bằng cách oanh kích, bằng cách xâm lăng và bằng nhiều hình thức tấn công đa dạng…”     

Jane Fonda nói chỉ cần ra vùng quê và nghe những người nông dân kể lại cuộc sống của họ trước cách mạng mới hiểu từng trái bom trút xuống đầu họ chỉ làm gia tăng quyết tâm kháng cự: “Tôi đã nói chuyện với rất nhiều nông dân, họ kể lại ngày xưa bố mẹ họ đã phải bán con làm nô lệ cho địa chủ… trường học thì rất ít, mù chữ thì nhiều, không có đủ chăm sóc y tế vì họ không làm chủ cuộc sống của mình…   

Giờ đây dù bom đạn, dù tội ác của Nixon, họ vẫn làm chủ đất đai, xây dựng trường học và con cái họ được học hành, nạn mù chữ đã bị xóa bỏ, không còn nạn mãi dâm như thời thuộc địa. Nói một cách khác, người dân nắm quyền trong tay và họ tự kiểm soát đời sống của mình”.   

Nghe lời phát biểu ở đoạn cuối của Jane Fonda trên đài phát thanh Hà Nội người ta có cảm tưởng như một bài tuyên truyền được gợi ý hoặc soạn thảo bởi bộ máy nhà nước. Nguyên văn như sau:

“Qua 4.000 năm đấu tranh với thiên nhiên và những kẻ xâm lược nước ngoài, 25 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi không nghĩ người dân Việt Nam sẽ đi đến nhượng bộ dưới bất kỳ hình thức nào về tự do và độc lập. Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thi ca, và đặc biệt hơn nữa là thơ của Hồ Chí Minh”.       

Jane Fonda bên nòng pháo phòng không

Người ta không thể nào biện minh cho hành động của Jane Fonda với lý do “tuổi trẻ bồng bột” vì khi đến Hà Nội cô đã 34 tuổi và chịu hoàn toàn trách nhiệm về suy nghĩ cũng như hành động của mình. Bất chấp những lời xin lỗi công khai, sự phẫn nộ của dân chúng Mỹ, đặc biệt là giới cựu chiến binh, vẫn dai dẳng như một mối thù không thể nào quên.

Hơn 30 năm trôi qua, những lời phỉ báng, sỉ vả và nguyền rủa dành cho “Hanoi Jane” vẫn không ngừng xuất hiện trên các trang mạng cũng như trên báo chí. Thậm chí nhiều người còn thắc mắc vì sao Jane Fonda không bị truy tố vì hành vi phản bội tổ quốc, hoặc vì sao bà chưa tự tử vì những điều hoen ố đã làm.

“Hanoi Jane”

Jane Fonda bắt đầu tham gia các hoạt động phản chiến từ năm 1967, có mặt trong các cuộc biểu tình, xuống đường, các chương trình truyền thanh cổ súy cho việc chống chiến tranh. Nhiều người cho rằng đó là kết quả của những dịp tiếp xúc với những người cộng sản trong thời gian sống tại Pháp cùng người chồng đầu tiên, đạo diễn Roger Vadim.

Jane Fonda bên người chồng đầu tiện, đạo diễn Roger Vadim và con gái Vanessa  (Năm 1970)

Tháng 11/1970, trước khoảng 2 ngàn sinh viên của trường đại học Michigan, Jane đã từng phát biểu nguyên văn rằng: “Nếu các bạn hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì thì có lẽ bạn sẽ hy vọng, sẽ quỳ gối cầu xin một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành người cộng sản" (If you understood what communism was, you would hope, you would pray on your knees that we would some day become communist").

Tờ Washington Times, số ra tháng 7/2000, còn trích dẫn lời cô diễn viên “thân cộng” tại Đại học Duke, Bắc Carolina. Một lần nữa, Jane Fonda lập lại quan điểm này: “Là một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, tôi nghĩ rằng chúng ta nên đấu tranh vì một xã hội chủ nghĩa, và tiến tới chủ nghĩa cộng sản”. (Nguyên văn: "I, a socialist, think that we should strive toward a socialist society, all the way to communism”).

Jane Fonda cũng là người hỗ trợ tài chánh cho Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam phản chiến, con số thành viên của tổ chức này có khi lên đến gần 7 ngàn. Ngoài ra, bà còn đích thân tìm kiếm những người lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam để thuyết phục họ lên đài phát thanh, công khai tố cáo các hành động tàn ác của người Mỹ. Có người nói rằng các chương trình phát thanh của bà có sự hỗ trợ của các quan chức Bắc Việt tại Canada.

Sau khi Sài Gòn xụp đổ năm 1975, Jane Fonda quay trở lại Hà Nội, mang theo đứa con trai mới sinh với người chồng thứ hai Tom Hayden, thủ lãnh đảng Cộng sản Mỹ. Trong buổi lễ vinh danh bà vì những đóng góp cho miền Bắc, Jane Fonda đặt tên con là Troy, theo tên của Nguyễn Văn Trỗi, người đã đặt mìn ám sát hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara khi đến thăm miền Nan vào năm 1963.

Troy (Trỗi) với con Liam và bố Tom Hayden

Jane Fonda đã thừa nhận lỗi lầm của mình khi đến Hà Nội nhưng đó không phải là lỗi duy nhất trong đời người nữ diễn viên “lắm tài nhiều tật” này. Theo bài viết Top 10 Jane Fonda mistakes của John Hayden đăng trên The Washington Times, số ra ngày 23/12/2013, những bức ảnh của “Hanoi Jane” chỉ là lỗi lầm thứ nhất, còn đến 9 lỗi lầm khác trong cuộc đời của Jane Fonda.

Lỗi lầm thứ 2: cuốn phim They Shoot Horses, Don’t They? (1969) do Jane Fonda thủ vai chính dựa trên bối cảnh thời kỳ Đại Khủng Hoảng (the Great Depression) với nhiều cảnh tự tử. Cùng diễn với Jane Fonda là tài tử Gig Young, người đã nhận 1 Oscar trong phim này, nhưng cuối cùng cũng đã tự tử năm 1978 sau khi bắn chết vợ mới cưới có 3 tuần!  

Lỗi lầm thứ 3: Trong cuốn phim Barbarella (1968), đạo diễn Roger Vadim, khi đó là chồng của Jane Fonda, đã tạo dựng cô thành một hình tượng sex đầy nhục dục. Phim đã nhận nhiều chỉ trích hơn là khen ngợi. Trong hồi ký viết năm 2005, Jane Fonda thú nhận trong suốt thời gian đóng Barbarella cô như sống trong tâm trạng của một kẻ "hấp hối".

Lỗi lầm thứ 4: Đó là cuộc hôn nhân lần thứ 3 của Jane Fonda với “ông trùm” truyền thông Ted Turner. Chỉ một tháng sau khi lấy nhau,Ted Turner đã phản bội Jane Fonda. Về phần Ted, ông tiết lộ trong hồi ký viết năm 2008, rất bực mình khi Jane cải đạo mà ông không hề biết. Tuy vậy, cuộc hôn nhân vẫn kéo dài 10 năm, từ 1991 đến 2001.
  
Jane Fonda trong dịp sinh nhật thứ 70 của Ted Turner

Lỗi lầm thứ 5 là những cuốn băng video hướng dẫn tập thể dục thẩm mỹ Jane Fonda Workout. Mọi người đã lầm khi nghĩ rằng Jane Fonda thực hiện những cuốn băng này để giúp phụ nữ giữ được thân hình thon thả. Mãi đến năm 2000 Jane Fonda mới tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey rằng mục đích của những cuốn băng này là gây quỹ cho chính trị gia Tom Hayden, khi đó là người chồng thứ hai của Jane Fonda. Tổ chức chính tri của Tom đã nhận được 17 triệu đô la khi giữ bản quyền loạt băng này.

Jane Fonda vào lứa tuổi thất tuần

Lỗi lầm thứ 6: tháng 4/1998 Jane Fonda đã phải lên tiếng xin lỗi người dân tiểu bang Georgia, quê nhà của cô, về lời tuyên bố “trẻ em tại đây đói đến chết như tại các nước đang phát triển”. Jane Fonda viết: “Tôi đã lầm. Tôi không nên nói những điều như vậy tại Liên Hiệp Quốc”. Sau khi kết hôn với Ted Turner năm 1991 cô đã trở về sống tại tiểu bang nhà.

Lỗi lầm thứ 7: giải phẫu để độn ngực vào tuổi 51 nhưng rồi sau đó lại thực hiện một cuộc giải phẫu khác để tháo bỏ. Từ sai lầm này Jane Fonda có lời khuyên chân tình với phụ nữ: Đừng bao giờ đụng vào giao kéo thẩm mỹ!

Lỗi lầm thứ 8: cuộc hôn nhân thứ hai với Tom Hayden. Sau người chồng đầu tiên Roger Vadim, một đạo diễn người Pháp, Jane Fonda kết hôn với Tom Hayden, một chính trị gia “khuynh tả”. Hai người sống chung với nhau từ năm 1973 đến 1989. Cuộc hôn nhân mang tính cách một “liên minh chính trị” hơn là tình yêu, Jane Fonda đã hoạt động gây quỹ cho Tom Hayden như đã nói ở trên trong vụ video thể dục thẩm mỹ. Đổi lại, vào đúng kỷ niệm sinh nhật thứ 51 của Jane Fonda, Tom Hayden bất ngờ tiết lộ đã yêu người khác khiến Jane Fonda bị giáng một cú shock tinh thần nặng nề.

Lỗi lầm thứ 9 là vụ Black Panthers (5). Trong cuốn sách của Patricia Bosworth với nhan đề Jane Fonda tiết lộ người nữ tài tử này đã “mở rộng hầu bao” ủng hộ phong trào Báo Đen của người da mầu vào đầu thập niên 1970. Cô đã trả 2.000 đôla tiền điện thoại liên lạc, trả tiền tại ngọai hầu tra cho một số người bị bắt trong đó có một thành viên bỏ trốn khi Jane Fonda đóng 50.000 đôla tiền thế chân. Thậm chí cô còn cho mượn cả thẻ tín dụng Visa để một Báo Đen mua xe và sau đó biến mất với chiếc xe và cả thẻ tín dụng.

Lỗi lầm thứ 10 mà Jane Fonda thú nhận trong cuốn hồi ký My Life So Far là vụ bị Roger Vadim lôi kéo vào những vụ hành lạc tập thể vào thập niên 1960. Cô tự thú: “Đôi khi có 3 người, đôi khi còn nhiều hơn thế nữa… Đôi khi tôi chính là người đứng ra dàn xếp”. Cô sống với Roger Vadim từ năm 1965 đến 1973, Vadim lớn hơn cô 10 tuổi. Cô cũng thú nhận cả 3 đời chồng đều đóng vai trò chi phối cuộc sống riêng tư của mình, kể cả người cha Henry Fonda. Jane Fonda viết trong hồi ký: “Cho đến năm 60 tuổi tôi vẫn chưa đủ tự tin vào chính mình nên rất cần có người đàn ông bên cạnh…”

Cuộc đời của Jane Fonda không phải chỉ toàn những quyết định lầm lỗi như đã liệt kê ở trên. Có người ca tụng Jane Fonda đã trở lại như một con chiên ngoan đạo sau thời gian gây nhiều sóng gió khi còn trẻ. Đó là một quyết định đúng đắn.

Có người thấy việc Jane Fonda mua bản quyền vở kịch On Golden Pond để làm cuốn phim mang cùng tên vào năm 1981 là một quyết định “hợp tình, hợp lý”. Trong phim, ngoài sự góp mặt của Jane Fonda và Katharine Hepburn còn có cha cô, Henry Fonda, trong vai người cha khó tính Norman Thayer. Người cha ngoài đời và người cha trong phim giống hệt nhau khiến Henry Fonda đoạt một giải Oscar trong sự nghiệp điện ảnh của ông.

Jane Fonda, Henry Fonda và Katharine Hepburn
           trong phim “On Golden Pond”        

Bỏ qua những khác biệt về ý thức hệ chính trị, cuộc Chiến tranh Việt Nam đã lấy đi sinh mạng của hơn 20.000 quân nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam nên trong tận cùng đáy lòng của người Mỹ đó là một mất mát lớn cho một cuộc chiến không có đoạn kết vinh quang.

Ngày nay, những người tham gia phản chiến tại Mỹ giờ đã ở lứa tuổi 70 hay còn cao hơn nữa như trường hợp của Jane Fonda. Chắc hẳn họ cũng như Jane Fonda thấy thấm thía câu nói của Benjamin Disraeli: “Tuổi trẻ là sự lầm lỗi, tuổi trung niên là cuộc đấu tranh và tuổi già là niềm hối tiếc”.       

***

Chú thích:

(1) Jane Fonda: (tên khai sinh Lady Jayne Seymour Fonda hay còn được biết đến với cái tên sau này là “Jane Hà Nội”) sinh ngày 21/12/1937 là một nữ diễn viên điện ảnh, kiêm nhà văn, nhà hoạt động xã hội, người mẫu thời trang và vận động viên thể dục thẩm mỹ.

Jane Fonda khi còn trẻ

Jane Fonda là một trong những diễn viên Mỹ tiên phong trong phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam. Khi Hoa Kỳ phát động chiến dịch ném bom miền Bắc, Jane Fonda đã một mình đến Việt Nam và lưu trú tại khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội). Hai tuần ở Việt Nam, Jane Fonde đã đi thăm Bệnh viện Bạch Mai, khu Trương Định, nhà trẻ 20/10, một số trận địa pháo của Bắc Việt.

Bà từng hai lần giành giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1979 với phim Coming Home và 1972 với phim Klute trên tổng số 7 lần được đề cử. Các tạp chí Empire, Premiere và Entertainment Weekly đều đưa Jane Fonda vào danh sách 100 ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại.

Phim “Coming Home” mang lại cho Jane Fonda 1 giải Oscar

Jane Fonda có một cuộc sống riêng tư khá biến động với 3 đời chồng. Lần đầu với đạo diễn người Pháp Roger Vadim, lần thứ hai với chính trị gia người Mỹ Tom Hayden và lần ba với ông trùm truyền thông Ted Turner.

(2) Xem video clip: Jane Fonda Calls Vietnam Photo 'An Unforgivable Mistake'


(3) Henry Fonda  (1905 - 1982): Henry Jaynes Fonda khởi đầu sự nghiệp điện ảnh tại Hollywood năm 1935 và suốt 6 thập niên trong nghề đã thực hiện nhiều vai trò nổi tiếng: Tom Joad trong The Grapes of Wrath của John Steinbeck, Sergio Leone trong Once Upon a Time in the West

Gia đình Fonda gồm toàn diễn viên nổi tiếng như con gái Jane Fonda, con trai Peter Fonda, cháu gái Bridget Fonda và cháu trai Troy Garity. Fonda kết hôn 5 lần và có 3 con, trong đó có một người con nuôi. Người vợ đầu tiên, Margaret Sullavanong, cưới năm 1931 nhưng chỉ 3 năm sau hai người ly dị.

Năm 1936, ông kết hôn với Frances Ford Seymour Brokaw và có 2 người con là Jane  và Peter. Đối với Fonda, đây là 13 năm chung sống không có bóng dáng của cái gọi là hạnh phúc. Kết quả là vợ ông tự tử trong bệnh viện tâm thần năm 1950.

Cuộc hôn nhân với Susan Blanchard năm 1950 chỉ kéo dài được 3 năm và Blanchard mô tả bà chỉ đóng vai trò của một “geisha” trong suốt 3 năm làm vợ. Năm 1957 Fonda kết hôn với nữ công tước người Ý Afdera Franchetti và ly dị năm 1961. Ngay sau đó, Henry Fonda kết hôn với Shirlee Mae Adams cho đến khi ông từ trần vào năm 1982.  

Mối quan hệ của Henry Fonda với vợ con được mô tả là “lạnh lùng” và “xa cách”. Khi Jane Fonda nghiêng sang cánh tả, tình cảm giữa hai cha con lại càng căng thẳng và mâu thuẫn hơn nữa. 

Henry Fonda xuất hiện qua 106 bộ phim trong suốt cuộc đời hoạt động điện ảnh và nhận giải Oscar năm 1981 với phim On Golden Pond, phim còn có sự góp mặt của Jane Fonda và Katharine Hepburn. 

Henry Fonda

(4) Nguyên văn lời phát biểu của Jane Fonda trên đài phát thanh Hà Nội:

[Broadcast]

This is Jane Fonda. During my two week visit in the Democratic Republic of Vietnam, I've had the opportunity to visit a great many places and speak to a large number of people from all walks of life - workers, peasants, students, artists and dancers, historians, journalists, film actresses, soldiers, militia girls, members of the women's union, writers.

I visited the (Dam Xuac) agricultural coop, where the silk worms are also raised and thread is made. I visited a textile factory, a kindergarten in Hanoi. The beautiful Temple of Literature was where I saw traditional dances and heard songs of resistance. I also saw unforgettable ballet about the guerrillas training bees in the south to attack enemy soldiers. The bees were danced by women, and they did their job well.

In the shadow of the Temple of Literature I saw Vietnamese actors and actresses perform the second act of Arthur Miller's play All My Sons, and this was very moving to me- the fact that artists here are translating and performing American plays while US imperialists are bombing their country.

I cherish the memory of the blushing militia girls on the roof of their factory, encouraging one of their sisters as she sang a song praising the blue sky of Vietnam- these women, who are so gentle and poetic, whose voices are so beautiful, but who, when American planes are bombing their city, become such good fighters.

I cherish the way a farmer evacuated from Hanoi, without hesitation, offered me, an American, their best individual bomb shelter while US bombs fell near by. The daughter and I, in fact, shared the shelter wrapped in each others arms, cheek against cheek. It was on the road back from Nam Dinh, where I had witnessed the systematic destruction of civilian targets- schools, hospitals, pagodas, the factories, houses, and the dike system.

As I left the United States two weeks ago, Nixon was again telling the American people that he was winding down the war, but in the rubble- strewn streets of Nam Dinh, his words echoed with sinister (words indistinct) of a true killer. And like the young Vietnamese woman I held in my arms clinging to me tightly- and I pressed my cheek against hers- I thought, this is a war against Vietnam perhaps, but the tragedy is America's.

One thing that I have learned beyond a shadow of a doubt since I've been in this country is that Nixon will never be able to break the spirit of these people; he'll never be able to turn Vietnam, north and south, into a neo- colony of the United States by bombing, by invading, by attacking in any way. One has only to go into the countryside and listen to the peasants describe the lives they led before the revolution to understand why every bomb that is dropped only strengthens their determination to resist. I've spoken to many peasants who talked about the days when their parents had to sell themselves to landlords as virtually slaves, when there were very few schools and much illiteracy, inadequate medical care, when they were not masters of their own lives.

But now, despite the bombs, despite the crimes being created - being committed against them by Richard Nixon, these people own their own land, build their own schools - the children learning, literacy - illiteracy is being wiped out, there is no more prostitution as there was during the time when this was a French colony. In other words, the people have taken power into their own hands, and they are controlling their own lives.

And after 4,000 years of struggling against nature and foreign invaders - and the last 25 years, prior to the revolution, of struggling against French colonialism - I don't think that the people of Vietnam are about to compromise in any way, shape or form about the freedom and independence of their country, and I think Richard Nixon would do well to read Vietnamese history, particularly their poetry, and particularly the poetry written by Ho Chi Minh.

[recording ends]

(5) Black Panthers: Phong trào “Báo Đen” được Huey Newton và Bobby Seale thành lập vào năm 1966 tại Oakland, California với mục tiêu ban đầu là để bảo vệ các khu dân cư của người da đen trước sự bạo hành của cảnh sát. Những người lãnh đạo phong trào đi theo đường lối của chủ nghĩa xã hội và học thuyết của Marx. Báo Đen đã đóng một vai trò không nhỏ trong hoạt động chính trị của nước Mỹ trong những thập niên 60 và 70.

Một trong những khẩu hiệu của phong trào Black Panthers

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)

Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

2 nhận xét:

  1. Qua bài viết này, tôi có một cái nhìn khá hoàn chỉnh về Jane Fonda nhờ nguồn tư liệu phong phú, chọn lựa những nội dung cần đưa vào và cách trình bày rất rõ ràng của anh Chính. Xin hoan hô và cám ơn anh. Giá mà chúng ta có thể viết được về rất, rất nhiều Jane Fonda Việt Nam mà gần đây tôi được đọc một bài chỉ dừng lại ở tính chất liệt kê. Chúc anh an vui và ngày càng có nhiều bài giá trị (như bài này). Haha.

    Trả lờiXóa
  2. Có quá nhiều những "Jane Fonda" trong chiến tranh VN, tạo thế bất lợi cho chính quyền VNCH. Đó cũng là những áo tưởng về chủ nghĩa CS và thiên đường xã hội chủ nghĩa.
    Lúc ấy phía miền Bắc VN không có tự do, trong khi miền Nam VN có chính sách tự do dân chủ và nhiều nhân vật đối lập, chỉ trích chính phủ, biểu tình xuống đường...như: Nghị sỹ Lý Chánh trung, Dân Biểu Lý Quý Chung, DB Hồ Ngọc Nhuận, DB Nguyễn Văn Binh,rồi các nhà báo,tu sỹ phật giáo, công giáo, sinh viên Huỳnh tấn Mẫn...nhiều lắm, dù biết là CS nhưng chính quyền không làm gì được vì sợ dư luận...Tất cả những nhân vật này sau 1975 đã bị CS lợi dụng tuyên truyền rồi không được tin dùng, một số trốn chạy ra nước ngoài và bị tù cải tạo. Đó là bài học đau thương cần ghi nhớ và CSVN luôn thành công với sách lược tuyên truyền và bạo lực cách mạng trong các thời đại.

    Trả lờiXóa

Popular posts